Không vì tên gọi mà giới hạn sự phát triển của các trường

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH

Phải tính đến tâm tư của các trường ĐH

Báo cáo tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, hiện nay có 2 loại ý kiến khác nhau về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học và khái niệm Đại học.

Loại ý kiến thứ 1 (của cơ quan thẩm tra) đề nghị quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở GDĐH gồm có trường đại học và đại học (hệ thống các trường đại học).

Loại ý kiến thứ 2 (của cơ quan soạn thảo) đề nghị quy định hệ thống cơ sở GDĐH gồm có đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác phù hợp với quy định của pháp luật, gọi chung là đại học.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện tại có nhiều ý kiến băn khoăn: Tại sao chỉ các ĐH Quốc gia, ĐH vùng được gọi là “đại học”; trong khi có rất nhiều các trường uy tín, quy mô lớn khác như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân chẳng hạn… lại không được gọi là đại học. Bên cạnh đó, khi dịch ra tiếng Anh, chỉ có một từ thống nhất để chỉ trường đại học là University; việc phân mô hình tổ chức như vậy gây khó khăn cho việc hội nhập; khi hội nhập sẽ rất khó giải thích.

Phó Thủ tướng cho rằng, tâm tư của các trường đại học, chúng ta phải tính tới. Mô hình theo ban soạn thảo thì giải quyết được vấn đề đó, nghĩa là bao gồm ĐHQG, đại học khu vực hay đại học vùng và các đại học lớn sau này và tùy người ta gọi tên. Không nên vì tên trường mà giới hạn là chỉ phát triển ở mức đó thôi không được vươn lên.

Cũng theo Phó Thủ tướng, những năm 1994-1995 chúng ta thành lập 3 ĐH vùng trước, rồi đến 2 ĐHQG là bằng Nghị định của Chính phủ, sáp nhập cơ học các trường ĐH lại và mấy chục năm vận hành đến nay cũng chưa phải đều thuận lợi.

Phương án của cơ quan thẩm định cũng không giải quyết được những vướng mắc hiện nay, trong khi chính phương án của ban soạn thảo đề ra theo nguyện vọng của nhiều trường đại học thì có phần giải quyết được. Vì tinh thần là giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH thì họ tự quyết định cơ cấu bên trong là gồm những trường nào hạch toán độc lập, trường nào phụ thuộc một phần…

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội - cùng quan điểm khi cho biết nhiều đại biểu đồng tình chỉ nên có một mô hình là ĐH chứ không nên phân biệt là ĐH và trường ĐH.

Các trường bình đẳng với nhau mới có cơ hội phát triển

Liên quan đến mô hình hệ thống cơ sở giáo dục ĐH, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Đề nghị cơ sở GDĐH gồm ĐH và trường ĐH là không đủ. Cơ sở GDĐH có học viện và đề nghị có cả trường cao đẳng, nếu không sẽ không hợp với thông lệ quốc tế.

Tham gia ý kiến về vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) cho rằng, bất cập nhất trong việc tổ chức, phân loại là chỉ nhìn vào quy mô trường mà không nhìn vào thực lực, chất lượng, xu thế phát triển, không nhìn vào nhu cầu của đất nước cũng như nhu cầu của người học… Chính quy mô này phá vỡ toàn bộ hệ thống từ tâm lý đến quan niệm về đầu tư. Nếu các trường được bình đẳng với nhau thì mới có cơ hội phát triển.

Theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, về mô hình phải đảm bảo 4 yếu tố: cơ sở phải có tư cách pháp nhân; phải bình đẳng với nhau trong không gian đào tạo từ học thuật đến sản phẩm con người, sản phẩm trí tuệ; không phân biệt quy mô to, nhỏ, loại hình công lập hay tư thục; đều có cơ hội tiếp cận các nguồn lực, cơ hội phát triển, mục tiêu, cách thức tổ chức thực hiện, càng ngày được cải tiến để phục vụ các hoạt động cạnh tranh trong tất cả lĩnh vực đào tạo, khoa học và công nghệ.

Liên quan đến nội dung tự chủ, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đồng tình với quan điểm tự chủ càng cao thì sự ảnh hưởng, vai trò của Nhà nước càng phải lớn. Không phải vì giao quyền tự chủ mà buông lỏng trách nhiệm quản lý.

Về chủ tịch hội đồng trường, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, về lâu dài không nên can thiệp về tuổi mà để các trường, nhà đầu tư tự quyết định. Trong giai đoạn chuyển đổi, đặc biệt là cổ phần hóa dần đang có tình trạng hình thành các đế chế đại học. Vì vậy, nói về quy định thời gian giữ vị trí lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng trường, ông Nhưỡng nhấn mạnh, Luật này phải không cho phép, 2 nhiệm kỳ phải thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ