Không chỉ còn là ý thức người dân!

GD&TĐ - Những ngày qua dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng bàn nhiều về những giá trị được coi là phản văn hóa ở một số lễ hội đầu xuân, nào là nghi lễ chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh),

Không chỉ còn là ý thức người dân!

Nghi thức hiến trâu của người Mường (Quế Phong, Nghệ An), rồi tục đâm trâu ở Tây Nguyên, lễ hội dùng vồ đập trâu đến chết ở Phú Thọ ... phần lớn đều bị cho rằng đây là những tập tục man rợ, nhưng cũng có số ít ý kiến bảo lưu đề cao tập tục này cho rằng đây là bản sắc truyền thống của địa phương.

Mỗi người một quan điểm, khi chỉ một thiểu số người, trong đó cũng có những nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, đây là những giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy, máu – màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, cầu mong những vụ mùa bội thu, hay mang hàm ý cầu xin đất đai cũng được trù phú, màu mỡ như màu đỏ của tiết. Còn số đông công chúng thì có ý kiến không đồng tình.

Đúng là mọi nhận xét đều đưa ra những lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình, người đồng tình thì nhấn mạnh quan điểm đây là những giá trị văn hóa mang tính truyền thống cần được bảo tồn, nhưng người phản đối thì cho rằng những tập tục này đi ngược lại những giá trị của nền văn minh, không có giá trị giáo dục mà chỉ mang tính kích động bạo lực.

Tất nhiên, mỗi người đều có cách bảo vệ quan điểm riêng, nhưng nói gì thì nói mỗi lễ hội sẽ chỉ là văn hóa khi nó đề cao những nét đẹp, những giá trị truyền thống, mà những giá trị văn hóa tốt đẹp là phải được số đông cộng đồng chấp nhận.

Dù muốn hay không thì cũng phải thừa nhận là những hình ảnh từ tập tục chém lợn đập trâu cho đến chết… cho dù trước đây là những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, cổ súy cho lao động, sản xuất và cầu mong những điều tốt đẹp nhất, nhưng ngày nay thì những hình ảnh trong các lễ hội này lại cho thấy đầy tính kích động bạo lực, không mang tính giáo dục mà nhìn vào đó người ta thấy nhiều hơn hình ảnh bạo lực, tra tấn động vật – đây cũng là điều mà Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) cũng đã lên tiếng phản đối.

Thực tế cho thấy, một thời gian dài các cơ quan quản lý văn hóa đã rất mở cửa cho các lễ hội truyền thống, có quá nhiều lễ hội ở khắp các vùng miền trên cả nước, đi đâu cũng gặp lễ hội và đi cùng nó là những hủ tục mê tín dị đoan, cùng với những lãng phí lớn về tiền của thời gian… có vẻ như chỉ đến gần đây sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra những vấn nạn ở một số lễ hội thì ngành văn hóa mới thể hiện quan điểm của mình.

Tất nhiên từ quan điểm thể hiện đúng sai đến việc thực thi chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa đến đâu còn phải chờ thời gian mới biết được, nhưng rõ ràng đưa ra quan điểm đồng tình hay phản đối là điều cần thiết.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 2/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với các ngành, địa phương xác định giữ lại những giá trị văn hóa đích thực của lễ hội cần lưu truyền còn những gì không phù hợp thì nên bỏ.

Quan điểm của người đứng đầu Chính phủ đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân. Nói không với hủ tục mê tín dị đoan, những hình ảnh mang tính man rợ phản giáo dục là điều cần làm trong một xã hội văn minh, tuy nhiên bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân cũng rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý về văn hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.