Kho học liệu số trực tuyến thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành GD-ĐT

GD&TĐ - Sáng nay 1/10, tại Hà Nội đã diễn ra lễ phát động Chiến dịch thiện nguyện trên nền tảng số iNhandao và ra mắt các nền tảng số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đại biểu ấn nút phát động
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đại biểu ấn nút phát động

Tham dự sự kiện có Phó Thủ tưởng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các đại học và doanh nghiệp.

Chương trình “Kết nối triệu con tim” được triển khai từ năm 2018, với mục tiêu xây dựng nền tảng dữ liệu và phổ biến tri thức trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác, tạo ra các ứng dụng số phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi lễ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi lễ

Đề án đã xây dựng được nền tảng số trong các lĩnh vực nhân đạo, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, bưu chính… cho phép kết nối cộng đồng, chia sẻ dữ liệu, cùng chung tay triển khai các hoạt động vì lợi ích của toàn xã hội, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam. Trong năm 2019, hai nền tảng số đầu tiên là nền tảng Nhân đạo số (iNhandao) và Bản đồ số Vmap đã ra mắt được cộng đồng đón nhận và từng bước ứng dụng trong thực tiễn.

Trong năm 2020, Đề án kêu gọi tất cả mọi người, bằng tấm lòng của mình, tham gia đóng góp dưới mọi hình thức vật chất, trí tuệ và công sức thông qua nền tảng số của Đề án để triền khai các hoạt động vì cộng đồng, phục vụ lợi ích chung của xã hội. Buổi lễ đã ra mắt Bản đồ chung sống an toàn Covid (antoancovid.vn), Nền tảng giáo dục số (iGiaoduc.vn), Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (bktt.vn).

Ký kết các nội dung hợp tác
Ký kết các nội dung hợp tác

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá cao kết quả và giá trị đóng góp cho xã hội các sản phẩm của Hệ tri thức Việt số hóa thời gian qua. Đối với ngành GD-ĐT, với quy mô hơn 50.000 cơ sở GD-ĐT, 23 triệu HSSV và 1,4 triệu giáo viên thì Hệ tri thức Việt số hóa có ý nghĩa rất quan trọng. Các cơ sở giáo dục, thầy cô và học sinh sinh viên là lực lượng nòng cốt vừa tham gia đóng góp, làm giàu Hệ tri thức Việt, vừa được thụ hưởng, sử dụng những thành quả mà Hệ trị thức Việt số hóa mang lại. 

Bộ trưởng cũng cho biết, 2 năm qua, Bộ GD&ĐT đã hợp tác chặt chẽ với Ban điều hành Đề án xây dựng, phát triển nền tảng giáo dục số iGiaoduc.vn nhằm tạo ra một nền tảng thu thập và chia sẻ Kho học liệu số dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường, đặc biệt phục vụ cho dạy – học trực tuyến và chuyển đổi số trong toàn ngành.

Kho học liệu số trực tuyến sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến của ngành giáo dục trong thời gian tới. Với những bài giảng e-learning sinh động, học sinh ở những khu vực còn khó khăn ở miền núi, hải đảo có thể được học những bài giảng trên Internet của thầy cô dạy giỏi ở thành thị, mang lại sự công bằng trong tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng của người học giữa các vùng miền trong cả nước. 

Bộ trưởng đề nghị các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động và học sinh sinh viên trong toàn ngành tích cực tham gia vào Hệ tri thức Việt số hóa. Ứng dụng AntoanCovid giúp đảm bảo an toàn chống dịch, nhờ đó tạo sự an tâm của phụ huynh, học sinh và xã hội về trường học an toàn trong dịch bệnh; các nhà trường, các cô thầy là hiệu trưởng tham gia tích cực trong việc khai báo các điều kiện đảm bảo an toàn cho phòng chống dịch Covid lên ứng dụng AntoanCovid. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ