Khi phụ nữ hành động để không ai bị bỏ lại phía sau

GD&TĐ - Họ là những cựu sinh viên của Chương trình học bổng chính phủ Australia, sau thời gian tu nghiệp trở về quê hương đã có những đóng góp tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là cho những hoạt động nhằm giúp nhiều phụ nữ có được cơ hội vươn lên trong cuộc sống, trong sự nghiệp.

Khi phụ nữ hành động để không ai bị bỏ lại phía sau
Khi phụ nữ hành động để không ai bị bỏ lại phía sau

Cùng lắng nghe những suy nghĩ, trăn trở khi phụ nữ hành động để không ai bị bỏ lại phía sau!

Chị Phạm Kiều Oanh
Chị Phạm Kiều Oanh

Chị Phạm Kiều Oanh – 1 trong 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2016, người sáng lập và Giám đốc của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) Việt Nam, Cựu sinh viên Chương trình học bổng dài hạn Chính phủ Australia.

TÔI CHỌN CON ĐƯỜNG KẾT HỢP TRÍ TUỆ, SỰ SẮC SẢO VÀ KIẾN THỨC KINH DOANH VỚI MỤC TIÊU CAO CẢ TỪ TRÁI TIM
Phạm Kiều Oanh

Từ khi thành lập đến nay, CSIP đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phụ nữ cũng như lồng ghép các yếu tố về giới vào tiêu chí đầu vào cũng như kết quả đầu ra của các chương trình, dự án. Các đối tượng được chúng tôi hỗ trợ bao gồm: Phụ nữ khởi nghiệp, nữ lãnh đạo, các doanh nghiệp kinh doanh tạo việc làm và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ yếu thế…

Trong số 135 doanh nghiệp xã hội do CSIP ươm tạo qua Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Xã hội (giai đoạn 2009-2016) có tới 55% sáng lập viên là phụ nữ. Đây là những lãnh đạo nữ tiên phong đầu tiên của phong trào doanh nghiệp xã hội Việt Nam.

Trước đây tôi thường nói rằng kinh doanh và phát triển xã hội là hai thế giới khác biệt, một thế giới thuộc về trái tim còn một thế giới thuần về khối óc. Trên thực tế, trí tuệ và trái tim rất cần thiết cho nhau nhưng đôi lúc nó là hai thực thể hoàn toàn khác nhau và không có nhiều sự kết hợp lắm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp xã hội lại là con đường kết hợp được cả trí tuệ, sự sắc sảo và kiến thức kinh doanh với những mục tiêu cao cả từ trái tim.  

Xã hội Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Đây là cơ hội để cải thiện cuộc sống cho số đông, nhưng cũng là một thách thức cho những cộng đồng và nhóm người yếu thế và có ít tiếng nói như phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật...

Nếu không có những hỗ trợ và can thiệp kịp thời thì khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng giới, và rất nhiều vấn đề xã hội sẽ tạo ra bất ổn và bất công trong xã hội. Doanh nghiệp xã hội, trong đó phụ nữ lãnh đạo chiếm số đông đang là một lực lượng ngày càng lớn mạnh để góp phần giảm thiểu những vấn đề xã hội đó.

Mặc dù, hướng đi kết hợp giữa kinh doanh và phát triển xã hội này vẫn còn nhiều thách thức, tôi tin tưởng rằng đây là một hướng đi đúng đắn, là sự phát triển đi lên của cả một dân tộc. Đó là hướng đi của tương lai.

Tôi cũng tin tưởng vào phụ nữ Việt Nam, với trí óc và nội lực của mình, với trái tim nhân hậu và biết sẻ chia sẽ là những người mang đến thay đổi tích cực vì một Việt Nam ngày một hưng thịnh hơn và “không bỏ lại ai ở phía sau”.

Chị Nguyễn Thảo Vân
Chị Nguyễn Thảo Vân

Chị Nguyễn Thảo Vân - Mắc căn bệnh lạ  phải ngồi xe lăn, nhưng Nguyễn Thảo Vân vươn lên trong cuộc sống. Hiện cô là Giám đốc Trung tâm nâng cao năng lực cho người khuyết tật Nghị Lực Sống

TÔI HY VỌNG SẼ TRUYỀN ĐƯỢC CẢM HỨNG CHO NHIỀU SINH VIÊN, ĐỂ SAU NÀY KHI TRỞ THÀNH NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO, CÁC EM SẼ LÀM NHỮNG VIỆC LỚN LAO MÀ MỘT NGƯỜI NHỎ BÉ NHƯ TÔI KHÔNG THỂ LÀM XUỂ
Nguyễn Thảo Vân

Tôi thực sự rất hạnh phúc vì đã giúp cho các chị em, đặc biệt những chị em có hoàn cảnh khó khăn hơn phần nào để họ có cuộc sống tốt hơn, có niềm tin hơn vào cuộc sống cũng như là cho bản thân mình cơ hội để sống hạnh phúc. 

Với công việc hỗ trợ hoà nhập toàn diện cho người khuyết tật, tôi có thể tư vấn thêm cho những người khuyết tật để phòng tránh các nguy cơ liên quan đến bạo lực gia đình và phân biệt đối xử về giới tính. Nó không chỉ là những vấn đề liên quan đến đào tạo nghề, sinh kế mà còn là những kiến thức để họ có sự bình đẳng về giới, xa hơn nữa là không bị lừa, không bị xâm hại và lạm dụng tình dục.

Năm 2014 là 1 năm rất đặc biệt đối với tôi, bởi vì tôi được nhận học bổng chính phủ Úc, cũng là lần đầu tiên đến Úc. Tôi được tiếp xúc và lắng nghe những chia sẻ của những con người, những tổ chức đang mỗi ngày đấu tranh cho sự phát triển và công bằng xã hội. Tôi hiểu hơn về tầm quan trọng của công việc mà tôi đang làm.

Tôi cũng được động viên ủng hộ để theo đuổi những ước mơ lớn hơn để từ đó phát triển công việc của mình ở trung tâm và công ty. Tôi tin rằng trong tương lai, Chính phủ Australia sẽ có thêm nhiều chương trình để tăng thêm cơ hội cho cộng đồng người khuyết tật vì sau 2 năm từ khi trở về, Australia đã có nhiều hành động thiết thực để thúc đẩy hoà nhập cho người khuyết tật tại Việt Nam.

Tôi thường rất bận rộn với các buổi chia sẻ nói chuyện, hầu hết đều để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhưng tôi luôn thích dành thời gian cho sinh viên, đặc biệt sinh viên các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tôi nhớ có một em trong đoàn sinh viên ở trường Đại học Indiana - Mỹ có hỏi tôi tại sao dù tôi rất bận nhưng lại dành cho nhóm nhiều thời gian hơn dự kiến vậy?

Tôi có nói rằng: Tôi rất ấn tượng về các em và tôi hy vọng sẽ truyền được cảm hứng cho các em để sau này khi trở thành những người lãnh đạo trong tương lai, các em sẽ sử dụng tài năng của mình để phát triển xã hội, làm những việc lớn lao mà một người bé nhỏ như tôi không thể làm xuể. 

Chị Hoàng Diệu Thúy
Chị Hoàng Diệu Thúy

Chị Hoàng Diệu Thúy – dân tộc Tày, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ Cộng đồng tỉnh Hà Giang HCA, Giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục Cộng đồng thành phố Hà Giang HCLC

CHÚNG TÔI TIN, VỚI MỘT TÂM HỒN VÀ TINH THẦN KHỎE, CÁC NHÓM PHỤ NỮ YẾU THẾ SẼ ĐỦ TỰ TIN VÀ SỨC MẠNH TINH THẦN ĐỂ THOÁT KHỎI ĐÓI NGHÈO VÀ TRÌ TRỆ
Hoàng Diệu Thúy

Trong tiến trình phát triển và hội nhập, phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, và các trẻ em gái là những nhóm có nguy cơ cao nhất bị bỏ lại phía sau hoặc dạt vào bên lề phát triển. Nguyên nhân là vì các nhóm này thường có quá nhiều rào cản và đặc thù dễ tổn thương hơn các nhóm khác. Một trong những vấn đề mà Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ Cộng đồng tỉnh Hà Giang HCA chúng tôi quan tâm là chăm sóc sức khỏe tâm trí/tâm thần cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Chăm sóc sức khỏe tâm trí (mental healthcare)- ở Việt Nam thường được dịch là chăm sóc sức khỏe tâm thần - là một lĩnh vực không mới ở Việt Nam. Ở đây, tôi dùng cụm từ “Sức khỏe Tâm trí” và “Chăm sóc Sức khỏe Tâm trí” thay cho cụm từ “Sức khỏe Tâm thần” mà chúng ta vẫn thường nghe tới.

Cách gọi này có thể đã gây ra những kỳ thị của cộng đồng dành cho những người bệnh “Người tâm thần”. Bởi vì sức khỏe tâm trí không chỉ là những dạng bệnh liên quan tới tâm trí mà còn là những kiến thức và kỹ năng để chăm sóc tâm trí khỏe mạnh hơn, để nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Như vậy tiếp cận việc chăm sóc sức khỏe tâm trí trong cộng đồng là công việc không hề dễ dàng bởi định kiến xã hội và thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng. Điều này đã khó với các cộng đồng đa số ở các thành phố lớn và đồng bằng. Nhưng lại càng khó hơn với các cùng dân tộc thiểu số như Hà Giang, và đặc biệt khó với các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số của chúng tôi.

Do vậy, kể từ khi thành lập tới nay, chúng tôi xác định chăm sóc sức khỏe tâm trí cho phụ nữ dân tộc thiểu số là mục tiêu phát triển chính của trung tâm. Chúng tôi đã và đang hỗ trợ nhiều nhóm phụ nữ mắc các rối nhiễu tâm trí như rối loạn lo âu, tổn thương sau sang chấn, trầm cảm – đặc biệt là trầm cảm sau sinh. Cách tiếp cận vấn đề của chúng tôi là tiếp cận văn hóa. Những nghiên cứu địa bàn cho chúng tôi biết rằng, khái niệm bệnh tâm thần và sức khỏe tâm trí không tồn tại trong một số cộng đồng dân tộc thiểu số.

Đối với họ, những chứng bệnh và rối nhiễu tâm trí được nhìn nhận từ góc độ văn hóa tâm linh và chúng phải được giải quyết thông qua văn hóa tâm linh như cúng bái, giải hạn, xin thần linh che chở, đừng trừng phạt… Với thực trạng đó, chúng tôi đã phải tiến hành can thiệp song song: vừa can thiệp theo hướng hỗ trợ tư vấn tâm lý, vừa tìm kiếm sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng mà cụ thể là những người thực hành văn hóa tâm linh như thầy mo, thầy cúng, bà đồng…

Song song cùng với các hoạt động nâng cao nhận thức của chị em về chăm sóc sức khỏe tâm trí, chúng tôi còn tiến hành đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ như nâng cao nhận thức chị em về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đưa bác sĩ về khám bệnh phụ khoa miễn phí và tư vấn vệ sinh phụ khoa cho các chị em ở các thôn xóm biên giới của các huyện như Hoàng Su Phì và Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang.

Chúng tôi tin rằng, để các nhóm phụ nữ này có thể đồng hành cùng các nhóm xã hội khác trong tiến trình phát triển của xã hội, chúng ta cần phải hỗ trợ từ nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau. HCA chúng tôi, với thế mạnh riêng, chúng tôi chọn chăm sóc sức khỏe tâm trí. Bởi chúng tôi tin, với một tâm hồn và tinh thần khỏe, các nhóm phụ nữ yếu thế sẽ đủ tự tin và sức mạnh tinh thần để thoát khỏi đói nghèo và trì trệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ