Khi nền kinh tế phụ thuộc vào vốn ngoại

GD&TĐ - Đó là những ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại buổi tọa đàm về tăng trưởng kinh tế vĩ mô do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội mới đây. Các chuyên gia cho rằng, khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn so với khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và khi nền kinh tế phụ thuộc vào vốn ngoại sẽ tác động xấu đến sự phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam.

Khi nền kinh tế phụ thuộc vào vốn ngoại

Khối FDI  chiếm ưu thế

Chúng ta có thể thấy, kinh tế Việt Nam trong năm 2017 đã tăng mạnh trở lại, nhưng vẫn còn rất nhiều nhược điểm cần khắc phục như tăng trưởng chủ yếu vẫn phải dựa vào các doanh nghiệp FDI, năng suất lao động còn thấp, kinh tế tư nhân còn yếu...

Các chuyên gia cho rằng, bấy lâu nay doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam hầu như không thay đổi gì về cơ cấu, tỷ trọng đóng góp còn quá yếu (dưới 10%), phần lớn là kinh tế hộ gia đình, khả năng cạnh tranh thấp...

Trong khi giá trị GDP của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sản lượng của khu vực doanh nghiệp FDI. Việt Nam lại chưa có những doanh nghiệp với thương hiệu cho bản thân mình và như vậy sẽ không thể tiếp tục duy trì tỷ lệ xuất khẩu cao như hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng, việc phải phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế thế giới và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang tạo ra nhiều bất trắc, tiềm ẩn cho nền kinh tế trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn, cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ...

Năm 2018 là năm hội nhập bản lề, các hiệp định thương mại tự do được thực hiện nghiêm túc, thuế nhập khẩu xuống 0 vừa gây sức ép lớn cho ngân sách, thu thuế từ xuất nhập khẩu có thể giảm xuống nghiêm trọng. Đây cũng là lý giải vì sao Bộ Tài chính đã phải tìm nguồn thu khác “trám” vào.

Các chuyên gia cho rằng, để thực sự thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, cần phải có sự chuyển hướng chính sách, không thể để có những doanh nghiệp thay vì cạnh tranh thực sự thì lại đi để biếu xén, lợi ích nhóm, ăn chênh lệch hưởng lợi bất chính.

Hiện Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng mấu chốt của vấn đề vẫn là thể chế. Điều đó được Thủ tướng Chính phủ nhắc đi nhắc lại đến 3 lần: “Thể chế, thể chế và thể chế”.

Điều chúng ta chưa làm tốt là phải đặt doanh nghiệp vào thị trường và cạnh tranh, đồng thời phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhưng thực tế hiện nay vẫn chưa thể thực sự bình đẳng.

Lo cho khối DN nội địa

Một trong những băn khoăn được các chuyên gia kinh tế đặt ra tại buổi tọa đàm là tính bền vững của nền kinh tế nội địa. Tuy xuất siêu lớn từ khu vực FDI, một mặt góp phần quan trọng mang lại một năm thặng dư thương mại cao, nhưng mặt khác cũng cho thấy năng lực đáng lo ngại của nền kinh tế nội địa khi xuất khẩu vẫn chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các chuyên gia cho rằng, dịch chuyển cơ cấu nội ngành hiện chủ yếu vẫn tập trung vào khối doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải khối doanh nghiệp trong nước, điều đó cho thấy vai trò của doanh nghiệp trong nước vẫn còn quá yếu.

Bởi mặc dù Việt Nam đạt con số xuất siêu ấn tượng nhưng “không vội mừng”, vì phần lớn con số xuất siêu đó vẫn hoàn toàn đến từ khối doanh nghiệp FDI chứ không phải các doanh nghiệp trong nước.

Theo các chuyên gia, năm 2017 là năm thử thách đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đánh dấu 10 năm Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), 2 năm gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và 2 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc. Dù số doanh nghiệp mới có tăng lên nhưng con số doanh nghiệp rời bỏ thị trường cũng không nhỏ.

Rõ ràng, các doanh nghiệp nội đang cảm nhận rất rõ “sức nóng” đến từ hội nhập. Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải đánh giá lại vai trò của kinh tế tư nhân và cần xem môi trường kinh doanh đó đã thực sự tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển hay chưa?.

Tại buổi tọa đàm các chuyên gia kinh tế cũng đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP của năm 2018 là sẽ tăng đều theo từng quý, đạt 6,02% trong quý I, 6,41% trong quý II, 7,08% trong quý III và 7,27% trong quý IV. Tính chung cả năm, GDP được dự báo ước tăng khoảng 6,65%. Lạm phát được dự báo xung quanh ở mức là 4%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ