Kẻ Nính (Quỳ Châu, Nghệ An): Cơn bão chìm ma túy

GD&TĐ - Quãng thời gian từ năm 2004 - 2009, người dân Kẻ Nính (xã Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An) thấy nhiều đàn ông trong bản liên tiếp ngã bệnh rồi chết. Có ngày, từ đầu bản đến cuối bản mấy người cùng chết. Họ đều là người đi làm gỗ, kéo gỗ thuê trong rừng… Sợ quá, kéo nhau đi khám, người dân mới biết đến HIV…

Kẻ Nính bây giờ đã có đường giao thông thuận lợi
Kẻ Nính bây giờ đã có đường giao thông thuận lợi

Căn bệnh từ người đi rừng về

Năm 2010, chồng chị Mạc Thị H. (bản Kẻ Nính) ốm dai dẳng mãi không khỏi. Đưa chồng đến bệnh viện khám, chị được bác sĩ thông báo anh nhiễm HIV và khuyên chị cũng phải kiểm tra. Lúc ấy, chồng chị mới nhớ, thời còn đi rừng kéo gỗ thuê từng được rủ rê dùng ma túychích chung kim tiêm với nhiều người.

Là cô gái hiếm hoi trong bản học đến sơ cấp dược, chị hiểu căn bệnh thế kỷ mà chồng mắc phải, biết nguy cơ lây nhiễm từ chồng sang mình và con. Chị vẫn cố hi vọng, nhưng điều kỳ diệu không xảy ra. Cầm kết quả dương tính với HIV trên tay, chị òa khóc, đứa con lúc ấy mới 2 tuổi rưỡi. Cuối cùng, bản năng người mẹ giúp chị đứng dậy sau ngã gục, mà sống tiếp để nuôi con, chăm sóc chồng.

Lúc 13 -14 tuổi, Vi Văn Đ. (bản Đình Tiến) theo các anh, các chú trong bản đi rừng kéo gỗ thuê. “Khi đó, thấy nhiều người chích thuốc và rủ dùng cho khỏe, lấy sức kéo gỗ thì mình theo chứ chưa biết nó là gì. Sau đó thành nghiện, ra khỏi rừng về bản làm ăn, lấy vợ đẻ con mình cũng không bỏ được”, anh Vi Văn Đ. kể. Một thời gian sau, Đ. thấy sức khỏe yếu dần. Thời điểm đó, trong làng đã có nhiều người đi khám và phát hiện nhiễm HIV nên anh bắt đầu lo sợ. Vợ chồng anh đưa đi khám, thì phát hiện cả hai đều có HIV. Cho đến giờ, anh cũng không biết mình mắc bệnh từ lúc nào, lây từ ai nữa.

Bản làng đã dần lấy lại sức sống
Bản làng đã dần lấy lại sức sống

Kẻ Nính là tên gọi chung trước khi chia tách của 4 bản: Pà Cọ, Tà Cồ, Đình Tiến và Kẻ Nính (xã Châu Hạnh, Quỳ Châu). Ma túy cùng với căn bệnh thế kỷ xâm nhập vào bản làng bình yên trù phú bên sông Hiếu từ lúc nào không ai biết.

“Thập niên 80, 90 của thế kỉ trước, ở đây xuất hiện những người lạ về làm chủ các bãi vàng, đá đỏ, khai thác gỗ quý trong rừng. Đàn ông, thanh niên trong bản kéo nhau đi làm thuê. Thiếu hiểu biết, thấy những người đó cho dùng thuốc để đi rừng, kéo gỗ cho khỏe thì dùng thôi, chứ không biết là ma túy. Đến lúc nghiện rồi thì không bỏ được nữa” - ông Hoàng Văn Thám (SN 1961) - bản Kẻ Nính nhớ lại.

Từ rừng trở về, sức khỏe của những người đàn ông trong bản ngày càng yếu đi. Khoảng từ năm 2004 - 2009, nhiều người liên tiếp ngã bệnh rồi chết với triệu chứng bệnh giống nhau. Có ngày, trong bản có đến 2 – 3 người chết. Thấy sợ, đi khám người dân mới biết đến căn bệnh HIV. Có gia đình cả bố, mẹ, con cái đều nhiễm bệnh.

Khoảng thời gian từ năm 2010 – 2012, người Kẻ Nính hoang mang không kể xiết. “Bà con sợ hãi, tâm lý chán nản, không dám đi đâu, làm gì; ăn uống gì cũng sợ lây bệnh. Đặc biệt, lúc đầu sự kỳ thị đối với người mắc HIV rất lớn, bản thân người có bệnh cũng tự kỳ thị, cô lập mình. Rồi nghèo đói, sinh ra trộm cắp, mất an ninh trật tự. Kẻ Nính trở thành một ốc đảo riêng biệt, dù nơi đây chỉ cách thị trấn Quỳ Châu có vài km. Các con tôi không đứa nào nghiện, nhưng con gái thứ 3 lấy chồng mắc bệnh xã hội nên cũng bị lây” - ông Thám nói.

Chị Mạc Thị H. (bản Kẻ Nính, Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An)
  • Chị Mạc Thị H. (bản Kẻ Nính, Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An)

Giúp nhau để sống

Chị Mạc Thị H. từ ngày biết mình nhiễm bệnh đã đi khắp bản, tìm gặp những người ốm, hoặc sử dụng ma túy, vận động họ cùng người thân đi kiểm tra sức khỏe. Chị đứng ra tập hợp những người có H trong bản lại thành một CLB với tên gọi Hi vọng để động viên, chia sẻ nhau, hướng dẫn kiến thức tự chăm sóc mình và bảo vệ người khác… Có thời điểm, CLB lên đến gần 100 người, nên phải chia ra cho dễ quản lý. CLB Hi vọng có 44 thành viên của bản Kẻ Nính và Pà Cọ, còn CLB Niềm tin có 45 thành viên tại bản Đình Tiến và Tà Cồ.

Vi Văn Đ. hiện là chủ nhiệm CLB Niềm tin, tâm sự: Người nghiện khó mà cai được lắm, kể cả những người đã phát hiện có H. nếu được mời thì vẫn dùng ma túy. Mình phải bắt đầu thuyết phục họ dùng riêng bơm kim tiêm. Kể cả chơi trong nhà mình cũng được. Có thời điểm, mình đi tập huấn nhận về cả thùng kim tiêm, người nghiện trong bản tập trung đến nhà mình chích, chỉ mấy hôm là hết. Còn mình thì đi khắp bản tìm kiếm, gom kim tiêm lại để tiêu hủy.

Vợ chồng anh Vi Văn Đ. giờ làm rẫy, nuôi 5 con bò, ngoài ra còn thả gà, lợn. Anh nói, cố gắng làm lụng nuôi con, may mà cả 2 đứa không có bệnh. Rồi tranh thủ thời gian lặn lội đi khắp các xã khác: Châu Tiến, Châu Bình, Châu Bính… hay lên tận Châu Thôn, Châu Kim (huyện Quế Phong) để làm việc “vì cộng đồng”.

Vận động người nghiện đi khám, nếu dương tính với HIV thì uống thuốc ARV điều trị để kéo dài sức khỏe: “Người nghiện rất khó gần, họ lẩn tránh, phải đến gặp 3 – 4 lần, thậm chí cả chục lần mới quen, mới tiếp chuyện”, anh Đ. kể. Hỏi tại sao lại tự làm mình vất vả thế, anh thật thà: “Họ cũng như mình trước kia, giúp nhau để mà sống thôi”!

Anh Vi Văn Đ. (bản Đình Tiến) đang chia sẻ câu chuyện
  • Anh Vi Văn Đ. (bản Đình Tiến) đang chia sẻ câu chuyện

Bà Lê Thị Nga – Trưởng trạm Y tế xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu cho biết: Toàn xã hiện có 126 người có H, trong đó 4 bản Kẻ Nính có 80 người. Họ mắc bệnh chủ yếu là do dùng chung ma túy từ trước, rồi sau này lây nhiễm cho vợ, con. Những năm gần đây, nhận thức người dân đã tiến bộ hơn rất nhiều, ít còn những trường hợp mắc bệnh đáng tiếc như trước kia. HIV ở đây có thể nói đã kiểm soát được. Từ năm 2017 đến nay, cả xã chỉ ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm mới.

Sau khoảng thời gian hoảng loạn, Kẻ Nính đã dần lấy lại sức sống, dân bản trồng mía, sắn, keo… chăn nuôi. Được tuyên truyền, người dân cởi mở hơn, những người có H được cấp phát và uống thuốc đều đặn nên vẫn tiếp tục lao động, chung sống với người bình thường.

Tuy nhiên, đáng lo nhất là ma túy vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm. Đường trong bản đã bê tông hóa, có cầu đi qua sông Hiếu thoát thế ốc đảo, nhưng dọc đường, công an xã vẫn chỉ cho chúng tôi những điểm tụ tập của người nghiện, vỏ bao kim tiêm vứt bừa bãi.

“Kẻ Nính đến giờ vẫn là tụ điểm nóng về ma túy của xã Châu Hạnh và cả huyện nói chung. Đối tượng nghiện rất manh động. Thậm chí có người nghiện, nhiễm HIV đã chống lại lực lượng chức năng bằng cách tự cắn vào tay mình, gây chảy máu để thoát thân. Chúng tôi rất vất vả mới khống chế được. Trong khi đó, công an xã lực lượng mỏng, lại quản lý địa bàn rộng nên rất khó khăn. Nếu vẫn còn ma túy, an ninh bất ổn, thì Kẻ Nính vẫn chưa thể bình yên được” - ông Lương Văn Thuận, Trưởng Công an xã Châu Hạnh, Quỳ Châu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.