Hội cựu Giáo chức góp ý, đề xuất 5 vấn đề quan trọng của Luật giáo dục (sửa đổi)

GD&TĐ - Liên quan đến Luật Giáo dục (sửa đổi), Hội cựu Giáo chức Việt Nam góp ý, đề xuất  5 vấn đề quan trọng.

Ảnh minh họa/Sỹ Điền
Ảnh minh họa/Sỹ Điền

Thứ nhất, về thi THPT quốc gia. Theo Hội Cựu giáo chức, đã học là phải thi, nếu không thi thì không thể đánh giá kết quả chất lượng giáo dục và sẽ giảm động lực học tập của học sinh

Vấn đề là phương thức tổ chức thi như thế nào, cần giao cho Sở Giáo dục — Đào tạo và Hiệu trưởng Trường Phổ thông Trung học thực hiện trên cơ sở ngân hàng đề của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo, có sự kiểm tra giám sát của Bộ.

Thứ hai, sách giáo khoa. Hội Cựu giáo chức tán thành quy định Bộ GD&ĐT thống nhất chương trình và duyệt sách giáo khoa.

Về các nhóm biên soạn, cần phân biệt sách giáo khoa tích hợp các môn tự nhiên có thể chấp nhận cho các nhóm, những môn xã hội nhân văn như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... phải giao cho các nhóm thuộc cơ quan Nhà nước, có trách nhiệm về đường lối, quan điểm chính trị để đảm bảo chất lượng, Hội Cựu giáo chức cũng thống nhất không bố trí thời gian học cuối tuần (thứ Bẩy) cho học sinh.

Thứ ba, chính sách giáo viên. Hội Cựu giáo chức thống nhất giao Chính phủ, trực tiếp là Bộ GD&ĐT quy định mức, số lượng giáo viên: Tỷ lệ giáo viên/ học sinh; tỷ lệ giáo viên/lớp. Tuy nhiên phải có đầu tư để đủ số lớp, phòng học nhằm đảm bảo tính khả thi.

Hội cũng thống nhất chính sách lương nhà giáo theo quan điểm của Đảng (Nghị quyết 29-NQ/TW) đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi): “Lương của Nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trọng hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".

Nếu có tiền lương thích đáng thì có thế thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm, thậm chí không cần chính sách tín dụng Sư phạm.

Thứ tư, người học. Theo Hội Cựu giáo chức, nên ghi là phổ cập bắt buộc từ THCS trở xuống. Nhà nước phải có trách nhiệm chăm lo cho các thế hệ này. Do đó không thu học phí đối với học sinh THCS.

Trong thời đại hiện nay, cạnh tranh trong giáo dục là cạnh tranh sức mạnh kinh tế, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Cần tách ngân sách giáo dục quốc phòng, an ninh ra khỏi ngân sách giáo dục, nếu không sẽ méo mó trong đánh giá.

Thứ năm, về học phí. Hội Cựu giáo chức đề xuất, cần xác định định lượng trần học phí tức là có quy định mức trần/khung học phí cho từng vùng. Đồng thời Nhà nước có hỗ trợ một phần cho các trường tư thục trong học phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ