Hiệu quả mô hình hỗ trợ sản xuất ở Canh Nậu

GD&TĐ - Từ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 mà nhiều xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Yên Thế (Bắc Giang) những năm gần đây có nhiều thay đổi. Một trong những dự án đạt hiệu quả phải kể tới mô hình trồng bưởi Diễn hữu cơ trên địa bàn xã Canh Nậu.

Mô hình bưởi Diễn tại xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Mô hình bưởi Diễn tại xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Là một trong những gia đình đầu tiên áp dụng mô hình trồng bưởi Diễn để chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, chị Nguyễn Thị Mến, dân tộc Cao Lan, ở bản Quỳnh Trang, xã Canh Nậu đã có nhiều lạc quan sau 2 năm trồng bưởi. Theo dự đoán của chị Mến, chỉ thời gian ngắn nữa, hơn 100 cây bưởi Diễn mà gia đình đang chăm sóc sẽ cho thu hoạch và mang về một khoản tiền kha khá.

Dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã, thôn thuộc Chương trình 135 do Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc, Học Viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc), phối hợp với Phòng Dân tộc, Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp, Ủy ban Nhân dân xã Canh Nậu triển khai trong giai đoạn từ năm 2017-2019 có 51 hộ tham gia với diện tích trồng bưởi trên 7,4 ha.

 

TS. Nguyễn Hồng Vỹ, Chủ nhiệm Dự án, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách dân tộc cho biết: Dự án bước đầu đã đem lại hiệu qủa kinh tế là giải quyết việc làm cho hộ dân quanh năm, mức đầu tư phù hợp với hộ dân nghèo và cận nghèo.

Tận dụng được rác thải và phế phụ phẩm nông nghiệp ủ thành phân hữu cơ cung cấp ngay cho bưởi, giảm chi phí đầu tư. Trong thời gian bưởi đang ở thời kỳ cơ bản chưa giao tán, hộ dân vẫn tiếp tục tận dụng đất để trồng cây ngắn ngày (đỗ, lạc, rau mầu...), đã giúp cho hộ dân giữ vững thu nhập không ảnh hưởng đến thu nhập hằng năm.

Dự kiến năm 2020 bưởi sẽ cho thu hoạch trên toàn bộ diện tích trồng. Bình quân mỗi cây thu từ 15-20 quả, giá bình quân 15.000đồng/quả, tương ứng 200-250.000đồng/cây. Mỗi hộ sẽ cho thu nhập bình quân 20-25 triệu đồng. Từ năm 2021 mỗi hộ sẽ cho thu nhập từ bưởi khoảng 35-40 triệu đồng/năm.

Dự án đã nâng cao nhận thức cho hộ dân tham gia dự án là gom rác thải sinh hoạt hằng ngày, phế phụ phẩm nông nghiệp ủ thành phân hữu cơ, góp phần cải thiện vệ sinh môi trường trong cộng đồng, giảm chi phí xử lý rác thải tại địa phương.

Đánh giá sức lan tỏa của Dự án, TS Nguyễn Hồng Vỹ khẳng định, hiện nay, ở địa phương, một số hộ đã áp dụng mô hình của Dự án chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có múi (bưởi, cam). Như vậy Dự án bước đầu đã có tính lan tỏa tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ