Hệ lụy từ thú chơi diều sáo

GD&TĐ - Thú chơi diều sáo có từ xa xưa và ngày nay nó gợi nhớ đối với nhiều người về một quá khứ tuổi thơ đầy kỷ niệm, cùng những cánh diều mơ ước giữa bầu trời thanh cao.

Con diều dài gần 5m của một người dân huyện Tân yên (Bắc Giang).
Con diều dài gần 5m của một người dân huyện Tân yên (Bắc Giang).

Thế nhưng trong một khía cạnh nào đó trò chơi dân gian này đã mang lại không ít nguy hiểm, phiền phức và cả những hệ lụy đáng tiếc.

Đe dọa an toàn sân bay

Không phải ngẫu nhiên mà giữa tháng 7 vừa qua, Trung đoàn 927, Sư đoàn 317 có văn bản gửi đến UBND tỉnh Bắc Giang, trong đó công văn nêu rõ: Thời gian vừa qua Trung đoàn Không quân 927 tổ chức các hoạt động bay huấn luyện, có hiện tượng trên khu vực đóng quân của Trung đoàn thuộc địa bàn huyện Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên người dân thả diều rất nhiều làm ảnh hưởng đến hoạt động bay của Sân bay Kép.

Hành động trên đã vi phạm các quy định của Nghị định số 32 ngày 6/5/2016 của Chính phủ về giới hạn độ cao chướng ngại vật hàng không đối với sân bay quân sự, sân bay dân sự, sân bay dùng chung, sân bay chuyên dùng, bãi đất hạ cánh trên mặt đất, mặt nước, công trình nhân tạo, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.

Trong văn bản, Trung đoàn đề nghị địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng và các địa phương liên quan tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm quy định, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an toàn bay của Trung đoàn.

Nguy hiểm cho người dân

Con diều bị đổ trên cánh đồng tại Bắc Giang.
Con diều bị đổ trên cánh đồng tại Bắc Giang. 

Đối với hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân, thú chơi diều cũng để lại không ít những hậu quả đáng tiếc. Mùa này đi trên những cánh đồng quê, thậm chí là trong khu đô thị không khó để chúng ta bắt gặp những con diều sáo no gió với đủ loại kích cỡ, âm thanh, màu sắc bay lơ lửng trên không trung, tạo thành một sự hỗn độn và nguy hiểm đối với các phương tiện giao thông dưới mặt đất.

Trong tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã cấp cứu cho nam bệnh nhân 56 tuổi, ở huyện Việt Yên bị tai nạn khi dây diều cứa vào cổ. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch, khó thở. Trước đó, trong lúc đi qua khu vực thả diều, bệnh nhân không may bị dây diều cuốn vào cổ, siết lại tạo ra vết thương phức tạp (12 x 3 cm), vỡ sụn nhẫn giáp, đứt hoàn toàn khí quản, chảy máu nhiều vùng tổn thương. Trên đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bị dây diều rơi trúng người khi đang di chuyển gây bị thương nặng.

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho con người, những con diều to, dây dài hơn một nghìn mét được thả lên trời cả ngày lẫn đêm, khi bị đứt dây, đảo gió, vướng vào lưới điện là gây ra sự cố diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Theo thống kê mỗi năm trên địa bàn huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) xảy ra hàng chục vụ thả diều gây ra sự cố mất an toàn lưới điện. Chỉ riêng từ đầu năm đến hết tháng 8 vừa qua trên địa bàn huyện này có gần 70 vụ thả diều vướng vào dây điện hoặc các công trình điện gây ra sự cố mất điện. Mặc dù, Điện lực Hiệp Hòa đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không mang lại hiệu quả. Đặc biệt là trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, thanh thiếu niên, người dân ở nhà nhiều nên càng gia tăng việc thả diều.

Lời cảnh tỉnh

Ngày 19/3, tại khoảng cột 32 - 33 đường dây 473 E716, các cán bộ Điện lực Hiệp Hòa và Công an xã Hương Lâm phát hiện có diều, dây diều mắc vào đường điện, gây nguy hiểm an toàn lưới điện. Cơ quan chức năng xác định, em N.V.P (SN 2002), trú tại thôn Đông Lâm, xã Hương Lâm, Hiệp Hòa (Bắc Giang) là chủ nhân chiếc diều đó. Đến ngày 24/3, em N. V. P đã bị xử phạt 1 triệu đồng về hành vi thả diều.

Ngoài gây sự cố về điện, việc người dân trên địa bàn huyện Hiệp Hòa thường xuyên thả diều với kích thước lớn, uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay của Sân bay Nội Bài (Hà Nội). Mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng một số người dân vẫn cố tình vi phạm. Theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, hành vi thả diều gây ra sự cố lưới điện có thể bị phạt từ 1 đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm gặp một số khó khăn do không bắt được quả tang, không chứng minh được diều thuộc sở hữu của cá nhân nào.

Mùa hè là mùa thả diều. Đã một thời những âm thanh vi vu suốt đêm ngày được phát ra từ diều sáo ấy sẽ làm vơi bớt biết bao nhọc nhằn của những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Trên cánh đồng làng, dọc theo bờ bãi ven sông những ngày này từng cánh diều chao nghiêng, tiếng sáo vi vu khoan nhặt. Có ý kiến cho rằng, thả diều là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, phát huy, song người chơi diều cần nâng cao ý thức thả diều ở những chỗ an toàn như cánh đồng, vắng người, ít giao thông, xa đường điện.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên quản lý chặt chẽ hơn đối với việc chơi diều, trong đó có các loại diều đeo sáo bởi âm thanh của chúng khiến nhiều người “đinh tai nhức óc”. Chị Hoàng Thị Ngọc nhà ở Khu đô thị Bách Việt (TP Bắc Giang) than vãn: “Những con diều no gió đứng lơ lửng cả ngày lẫn đêm trên đỉnh trời ngay cạnh nhà tôi. Ban ngày đi làm không sao nhưng hễ đêm về yên ắng hàng chục con diều kêu với đủ các thứ âm thanh hỗn loạn khiến cả gia đình mất ngủ và rất nhức đầu, đặc biệt là người già, trẻ em bị ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Điều đáng nói là dù nhìn thấy những con diều trên đỉnh đầu mình nhưng chẳng biết chủ nhân của diều đó ở đâu để mà tìm và có ý kiến với người ta thu diều vào”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ