Hành lang pháp lý để thu thuế kinh doanh qua mạng

GD&TĐ - Dư luận mấy ngày qua đang xôn xao thông tin Cục Thuế TPHCM vừa truy thu một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua mạng số tiền 9,1 tỉ đồng, căn cứ vào số liệu đối chiếu thu nhập kê khai và thu nhập thực tế. 

Hành lang pháp lý để thu thuế kinh doanh qua mạng

Một trường hợp kinh doanh mỹ phẩm khác cũng bị truy thu và phạt 1,7 tỉ đồng. Đây là số ít những vụ việc ngành thuế xử lý đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng.

Hiện nay, việc kê khai, nộp thuế kinh doanh qua mạng rất hạn chế, nên cơ quan thuế khó có cơ chế để bắt buộc tổ chức, cá nhân thực hiện. Việc kê khai nộp thuế của cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng chủ yếu là dựa vào sự tự nguyện của đối tượng kinh doanh là chính, chứ chưa có biện pháp kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với hành vi không kê khai nộp thuế.

Xu hướng kinh doanh qua mạng hiện nay đang rất phổ biến, kèm theo đó là hành vi trốn thuế thường xuyên xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu thuế kinh doanh qua mạng là thiếu khả thi.

Tuy nhiên, dù sớm hay muộn thì việc thu thuế đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng là cần thiết nhằm góp phần tăng thu ngân sách, tránh thất thoát; đảm bảo sự bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế của các cá nhân, tổ chức khi kinh doanh nói chung và kinh doanh qua mạng nói riêng.

Muốn thu thuế đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng cần phải có một hành lang pháp lý đủ mạnh, trước hết, cần quy định cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng bắt buộc phải đăng ký về loại hình, hàng hóa, sản phẩm kinh doanh qua mạng; phải công khai giá trị hàng hóa, sản phẩm và các giao dịch mua bán để làm cơ sở tính thuế; việc kê khai cần thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm. Đây là nghĩa vụ bắt buộc của cá nhân, tổ chức khi kinh doanh qua mạng.

Khi đã có quy định nhưng cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng không chấp hành việc đăng ký và khai nộp thuế thì cơ quan quản lý sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính; truy thu thuế đã trốn hoặc đề nghị khởi tố hình sự với hành vi trốn thuế nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ các trang mạng, tài khoản có phát sinh giao dịch, bán hàng; nắm rõ thông tin chủ tài khoản đó để vận động, yêu cầu kê khai số lượng hàng hóa, sản phẩm và doanh thu khi bán hàng.

Về lâu dài cần xây dựng các quy định cụ thể để quản lý cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng, kèm theo các chế tài xử lý mới có thể tiến hành thu thuế một cách đầy đủ và đồng bộ. Đồng thời, khuyến khích cá nhân, tổ chức phản ánh các hành vi trốn thuế khi kinh doanh qua mạng để tiến hành kiểm tra và xử lý kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ