Hà Nội: Vì sao khó quản xe đưa đón học sinh?

Những vụ việc mất an toàn, bỏ quên học sinh trên xe đưa đón xảy ra gần đây tại Hà Nội khiến các bậc phụ huynh thêm âu lo.

Sau những vụ việc đáng tiếc, nhiều trường đã siết chặt hơn quy trình đưa đón học sinh (Chụp tại trường Tiểu học Gateway, Cầu Giấy, Hà Nội sáng 29/9)
Sau những vụ việc đáng tiếc, nhiều trường đã siết chặt hơn quy trình đưa đón học sinh (Chụp tại trường Tiểu học Gateway, Cầu Giấy, Hà Nội sáng 29/9)

Học sinh ngủ quên trên xe, không ai biết

Đầu tháng 9/2020, nhiều phụ huynh ở Hà Nội lại được phen hoang mang khi hay tin một học sinh lớp 3 trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của nhà trường. Lý do là người được phân công phụ trách xe không kiểm tra kỹ (thời điểm đó em này ngủ quên trên xe). Rất may, sau đó học sinh này đã tự mở cửa xe vào trường trước giờ giáo viên chủ nhiệm điểm danh.

Cần nói thêm, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm là một trong những ngôi trường nằm trong hệ thống giáo dục liên cấp rất nổi tiếng tại Thủ đô.

Cũng trong tháng 9/2020, Thanh tra GTVT Hà Nội trong quá trình tuần tra, kiểm soát phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 ô tô tham gia hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh trường THCS Lương Thế Vinh nhưng không ký hợp đồng vận chuyển. Theo đó, mỗi lái xe và chủ xe bị phạt 8,5 triệu đồng, doanh nghiệp không có hợp đồng với nhà trường bị phạt 15,5 triệu đồng.

Sau đó, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các trường học chấn chỉnh việc sử dụng xe đưa đón học sinh, chấm dứt hợp đồng vận chuyển đối với phương tiện, người lái xe ô tô không đủ điều kiện theo quy định.

Tính chung những tháng đầu năm 2020, TTGT Hà Nội đã lập biên bản xử phạt 39 phương tiện chở học sinh với nhiều lỗi khác nhau.

Sau vụ việc chấn động dư luận xảy ra tại Trường Quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy) vào năm 2019, những ví dụ như vừa nêu lại tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo và khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi bất an.

Giám sát qua hành trình, hình ảnh

Ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, kết quả rà soát trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 2.300 xe ô tô của hơn 100 đơn vị, cá nhân chuyên làm dịch vụ đưa đón học sinh. Tuy nhiên, dịch vụ này chủ yếu vẫn do các trường tự thỏa thuận với đơn vị vận tải theo dạng xe hợp đồng. Chưa kể, có những trường hợp nhóm phụ huynh tự đứng ra tổ chức thuê xe ô tô đưa đón con khiến công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Kiều Cao Trinh, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội), hiện tại Hà Nội có hơn 40.400 học sinh đến trường bằng dịch vụ ô tô đưa đón. Đáng nói, trong số tổng số gần 2.300 phương tiện được khảo sát, số xe phụ huynh tự thuê cho con em đi học chiếm 5-6%, chủ yếu ở các huyện ngoại thành. Đây cũng là lượng phương tiện khó kiểm soát nhất về mức độ an toàn.

Ông Trinh cho biết, trước tình hình phương tiện đưa đón học sinh ngày càng nở rộ, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu tất cả các trường thống kê hoạt động xe đưa đón học sinh với các đề mục như: loại xe, số lượng học sinh vận chuyển trong ngày, tên đơn vị/ cá nhân vận chuyển, hình thức hợp đồng (nhà trường thuê/phụ huynh thuê),..

“Khi tập hợp xong (dự kiến đầu tháng 10/2020), Sở sẽ có văn bản báo cáo UBND thành phố, đề nghị cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ số xe ô tô đang đưa đón học sinh, từ đó có thông báo phương tiện nào đủ điều kiện, phương tiện nào không”, ông Trinh thông tin.

Trước câu hỏi có cần thiết lập khung quy chuẩn về phương tiện, người lái, người giám sát trên xe đối với dịch vụ xe đưa đón học sinh, ông Trinh cho rằng, vấn đề này khó, bởi loại hình phương tiện, quy trình đưa đón tùy thuộc vào nhu cầu/ lộ trình của mỗi trường. Thay vào đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường xây dựng quy trình đưa đón, từ lúc tiếp nhận học sinh lên xe, bàn giao cho nhà trường và ngược lại, thông báo rộng rãi trên cổng thông tin điện tử và thông tin đến phụ huynh để giám sát chất lượng dịch vụ.

“Riêng vấn đề người giám sát, do đa số các trường hợp đồng thuê nhân viên bên ngoài, nhiều người chỉ làm theo thời vụ nên trước mắt, Sở yêu cầu các trường trong hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ, tiêu chuẩn của người giám sát để có cơ sở quản lý”, ông Trinh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT), theo Nghị định 10/2020, đơn vị kinh doanh vận tải ngoài theo dõi, giám sát hoạt động của lái xe và phương tiện, bắt buộc tập huấn nghiệp vụ vận tải và ATGT cho lái xe, phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe khi đã kết thúc hành trình. Trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình xe tham gia giao thông.

“Để đảm bảo an toàn trong đưa đón học sinh, quá trình ký kết hợp đồng, nhà trường cần đưa ra quy chế phối hợp chặt chẽ với bên cung cấp dịch vụ xe đưa đón”, ông Thạch nói.

Nhiều trường siết chặt quy trình đưa đón học sinh

Sáng 29/9, có mặt tại cổng trường Tiểu học Quốc tế Gateway, PV ghi nhận quy trình đưa đón học sinh được thực hiện chặt chẽ hơn. Một nữ giáo viên trường Gateway cho biết, trước đây việc kiểm đếm học sinh được thực hiện tại căng-tin, trong lúc học sinh đến ăn sáng. Từ sau sự cố học sinh bị bỏ quên trên xe, ngoài một giám sát viên (monitor) đi theo xe, tại cổng trường bố trí thêm một bộ phận kiểm tra lại xe lần hai, đảm bảo không còn một học sinh nào “sót” lại.

Trước đó, chiều 28/9, “mục sở thị” quá trình đón/ trả học sinh tại Trường phổ thông liên cấp Olympia, PV nhận thấy khi tan học, người giám sát (monitor) nhanh chóng vào khu vực học sinh chờ đón. Để tránh thất lạc, trên tay người giám sát luôn thường trực tấm biển số thứ tự xe để học sinh dõi theo đi đúng nhóm ra xe.

Theo Báo Giao thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.