Hà Nội: Sẽ xử lý nghiêm giáo viên vi phạm các quyền trẻ em

Hà Nội: Sẽ xử lý nghiêm giáo viên vi phạm các quyền trẻ em

Theo đó, thời gian thực hiện tháng hành động vì trẻ em từ ngày 1/6 đến ngày 30/6/2020. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, sẽ không tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp thành phố. Cấp quận, huyện, thị xã sẽ tổ chức các hoạt động phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, quản lý và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình liên quan đến trẻ em; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cả cộng đồng thực hiện các quyền trẻ em, chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em dưới mọi hình thức. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện tạo điều kiện để mọi trẻ em được phát triển toàn diện.

Yêu cầu các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức thiết thực, phù hợp điều kiện của từng địa phương, đơn vị và các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 100% UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020.

TP Hà Nội đặt mục tiêu 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, trẻ em vùng dân tộc, vùng khó khăn được quan tâm, hỗ trợ nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi giải trí an toàn, bổ ích cho trẻ em gắn với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

UBND TP giao Sở GD&ĐT tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt kỹ năng phòng, chống xâm hại trên môi trường mạng, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Phát triển các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường như câu lạc bộ quyền trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng. Duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động các loại hình cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường học như điểm tư vấn, tham vấn học đường...

Thường xuyên kiểm tra, rà soát các biện pháp bảo đảm quy định về trường học an toàn, phòng ngừa bạo lực và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, điểm trông giữ trẻ tư nhân và các phương tiện giao thông đưa đón học sinh của nhà trường.

Phát hiện, xử lý nghiêm minh cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vi phạm các quyền trẻ em và can thiệp, hỗ trợ kịp thời trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ