Hà Nội có thực sự ô nhiễm nhất thế giới?

GD&TĐ - Sáng 30/9, nhiều người dân ở Thủ đô Hà Nội “tá hỏa” khi vào các ứng dụng thông báo chất lượng không khí. Theo đó, mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã vượt qua báo động đỏ (nguy hại) sang mức báo động tím (cực kỳ nguy hại).

Đường phố Hà Nội thường có lớp sương mù nhẹ vào mùa thu.
Đường phố Hà Nội thường có lớp sương mù nhẹ vào mùa thu.

Ô nhiễm vượt qua báo động đỏ?

Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí AirVisual quốc tế, vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 30/9, chỉ số AQI tại Hà Nội là 272, đạt ngưỡng tím, tiếp tục là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Vào lúc 7 giờ 6 phút cùng ngày, chỉ số AQI ở Hà Nội là 265, mức báo động tím về tình trạng ô nhiễm không khí. Với chỉ số này, cảnh báo đưa ra là mức cực kỳ nguy hại, người dân hạn chế ra đường. Cùng với Hà Nội, TPHCM đứng ở vị trí thứ 10. Trước đó, vào ngày 29/9, chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội đứng thứ 2 thế giới với nồng độ ô nhiễm AQI là 172, trên cả Bắc Kinh (Trung Quốc) là 160 và Jarkarta (Indonesia) là 158.

Ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí độc lập PAMAir cũng cho thấy tại nhiều điểm đo, cảnh báo ô nhiễm đã chuyển sang màu tím. Cụ thể, điểm đo tại Bắc Từ Liêm, AQI ở ngưỡng 249, Gamuda Garden (Hoàng Mai) ở mức 238, Tây Hồ là 241, Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm) ở ngưỡng 204. Một số điểm đo thuộc đồng bằng Bắc Bộ như Đông Hưng (Thái Bình), AQI ở mức 239, Thái Thụy (Thái Bình), ở ngưỡng 279, Kiến An (Hải Phòng) ở mức 227, Châu Khê (Bắc Ninh) ở mức 229... Điểm đặc biệt của đợt ô nhiễm không khí này là ô nhiễm nghiêm trọng nhất vào đêm, sáng sớm và chiều tối. Ghi nhận của 2 hệ thống quan trắc không khí trên vào 22 giờ 30 tối 29/9 cũng cho thấy không khí ở mức ô nhiễm tím tại nhiều điểm.

Mới đây, Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hà Nội đã phản bác thông tin cho rằng, Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Lý do là trang web của Air Visual lấy duy nhất số liệu quan trắc không khí từ trạm Đại sứ quán Mỹ, trạm này nằm trên trục đường giao thông lớn, xung quanh có rất nhiều công trình xây dựng. Đại diện AirVisual cũng phản bác lại. Theo đó, IQAir AirVisual thu thập dữ liệu từ 14 trạm kiểm soát không khí, gồm có 10 trạm thuộc Chính phủ. Đó là mạng lưới quản lý chất lượng không khí Hà Nội (http://moitruongthudo.vn/), Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (http://cem.gov.vn), Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Các tổ chức phi chính phủ gồm ba đối tác của AirVisual (AirVisual Contributors) trong đó có một tổ đối tác do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) vận hành.

Hiểu đúng về số liệu

Không khí Hà Nội đúng là đang trong giai đoạn rất ô nhiễm, nhưng có ô nhiễm nhất thế giới không, thì câu trả lời là không. Theo một chuyên gia giấu tên chuyên làm về các thiết bị quan trắc ô nhiễm không khí, để biết con số có tính xác thực không phải dựa vào dữ liệu đầu vào. Với AirVisual, ngoài dữ liệu đầu vào kể trên, còn có nguồn dữ liệu mô hình phỏng đoán do chính AirVisual thực hiện bằng cách chụp ảnh vệ tinh để tính toán chỉ số bụi trên mô hình của khu vực đó. Thực tế cho thấy, có đến 99% dữ liệu tính toán kiểu này là sai. Trong khi đó, dữ liệu mô hình chiếm đến 80% tổng số dữ liệu mà AirVisual tổng hợp để cho ra kết quả. Do đó, việc nói Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới là chưa đủ cơ sở.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, đúng là mấy ngày nay không khí ở Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng để đánh giá nhất thế giới thì chưa. Bởi ngoài số liệu ở các trạm quan trắc thì không ai biết AirVisual sử dụng thêm các công cụ, số liệu nào.

Ông Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L, đơn vị sở hữu ứng dụng PamAir đo chất lượng không khí cho biết, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội sáng 30/9 có nhiều điểm báo động màu tím. Thậm chí, vào buổi trưa 30/9 tại một trạm quan trắc ở Đồ Sơn, Hải Phòng, chỉ số AQI lên đến trên 500. Tìm hiểu thì được biết trạm quan trắc này nằm trong vùng người dân đốt rơm rạ, cảm biến chất lượng không khí luôn báo vượt ngưỡng. Do đó, chỉ số chất lượng không khí được hiểu là không khí ở tại trạm quan trắc đó chứ không phải không khí đã phát tán ra khắp nơi.

“Khi theo dõi ở các phần mềm cảnh báo chất lượng không khí, người dân nên để ý đến thời gian thực. Nhiều khi dữ liệu hiện tại là dữ liệu của 2 tiếng, 5 tiếng, thậm chí là của 1 ngày trước. Và cần nhận biết số liệu đó được đo đạc dựa trên các trạm quan trắc hay mô hình. Nếu dữ liệu có gắn dấu sao nghĩa là dữ liệu có được do chạy mô hình, độ chính xác không cao. Việc ứng phó với không khí ô nhiễm là rất cần thiết, nhưng người dân cũng không nên quá hoang mang, sợ hãi, đến mức di tản, không dám ra ngoài đường”, ông Hoàng Dũng cho biết.

Chưa quan trắc được tất cả các chất ô nhiễm

TS Hoàng Dương Tùng cho biết: “Việt Nam đã có các hệ thống quan trắc tự động thiết bị cố định hoặc đo bằng tay rồi về phân tích ở phòng thí nghiệm, hoặc các trạm cảm biến. Như thế có rất nhiều thiết bị để quan trắc các thông số, tuy nhiên tôi cũng phải nói thẳng là hiện nay công nghệ chưa cho phép chúng ta quan trắc được tất cả các thông số ô nhiễm, cũng như độ chính xác chưa cao nên cần phải cải thiện nhiều”.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, điểm đáng lưu ý với con số ô nhiễm không khí ngày 29 và 30/9 là tình trạng báo động tím diễn ra chủ yếu vào sáng sớm từ 4 - 7 giờ sáng ở nhiều điểm và một vài điểm có ngưỡng tím vào ban đêm. Đây là hiện tượng bất thường, cần phải có những quan trắc và nghiên cứu sâu hơn mới có thể khẳng định được về nguyên nhân. Trước chu kỳ ô nhiễm như trên, TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo, người dân hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm ô nhiễm, hạn chế đi tập thể dục buổi sáng bởi quá trình tập thể dục, việc thở gấp sẽ khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn, gây tác động nghiêm trọng hơn.

“IQAir là một công ty, vốn thành lập ở Đức, trụ sở hiện tại ở Thụy Sĩ. Sản phẩm chính yếu là các thiết bị lọc không khí, phát triển từ sản phẩm nguyên thuỷ là thiết bị lọc bụi từ lò sưởi gia đình từ những năm 1950, sản phẩm phụ là thiết bị đo chất lượng không khí, mặt nạ... Sản phẩm tiếp thị chính yếu chính là App AirVisual. App này kết nối với thiết bị đo do chính IQAir bán ra và được nhiều người mua. Chỉ cần bỏ ra 295 USD và khoảng 200.000 đồng phí dịch vụ chuyển phát, bảo đảm để cái này ngoài trời và kết nối với IQAir. IQAir sẽ thu nhận số liệu từ các thiết bị quan trắc cá nhân và đẩy lên ứng dụng cho mọi người cùng xem” - ông Phạm Quang Vinh, một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, chia sẻ trên Facebook.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ