Hà Giang khẳng định hậu duệ vua Mèo "không có quyền đóng cửa khu di tích nhà Vương"

Di tích nhà Vương thuộc sở hữu của dòng họ, nhưng lâu nay được đầu tư tu bổ bằng ngân sách Nhà nước.

Hà Giang khẳng định hậu duệ vua Mèo "không có quyền đóng cửa khu di tích nhà Vương"

Sáng 18/6, trả lời về việc ông Vương Duy Bảo (cháu nội vua Mèo Vương Chí Thành) muốn đóng cửa khu di tích nhà Vương (Đồng Văn, Hà Giang), bà Triệu Thị Tình - Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Giang khẳng định, ông Bảo không có quyền đơn phương quyết định việc này. 

Bà Tình lý giải, đây là di sản quốc gia, dù thuộc sở hữu của dòng họ Vương nhưng đang được tỉnh Hà Giang quản lý theo quy định pháp luật. 

"Cá nhân ông Vương Duy Bảo không thể quyết định việc đóng cửa dinh nhà Vương mà phải có ý kiến của tất cả 16 người đồng chủ sở hữu. Hoặc ông Bảo phải trình được giấy uỷ quyền của các thành viên trong gia tộc", bà Tình nói và nhấn mạnh, giấy ủy quyền phải được công chứng thì mới có giá trị pháp lý. 

Ngoài ra, bà Tình cho biết từ khi dinh vua Mèo được công nhận là di tích quốc gia (1993) đến nay, Nhà nước đã nhiều lần đầu tư kinh phí bảo vệ, tu sửa. 

Một góc dinh thự Vua Mèo ở xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang). Ảnh: VT.

Một góc dinh thự Vua Mèo ở xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang). Ảnh: VT.

Về việc ông Vương Duy Bảo đề nghị phân chia tiền bán vé khu di tích, bà Tình cho biết "đang chờ HĐND tỉnh quyết định".

Theo bà Tình, ngày 11/6, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã có văn bản báo cáo toàn diện sự việc dinh thự vua Mèo đến UBND tỉnh.

Cụ thể, việc lập hồ sơ công nhận dinh vua Mèo là di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia đã được thực hiện đúng quy định; còn về nguồn phí tham quan di tích, huyện Đồng Văn được trích lại 40%, 60% nộp vào ngân sách.

Năm 2003, khi con cháu trong gia tộc họ Vương chuyển ra ngoài sinh sống để phục vụ trùng tu, có sự chứng kiến của ông Vương Quỳnh Sơn (cháu đích tôn vua Mèo Vương Chính Đức) và ông Vương Duy Bảo. Tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ các hộ gia đình là 500 triệu đồng. Trong đó, ông Vương Quỳnh Sơn giữ 320 triệu; 180 triệu còn lại chia đều cho 6 gia đình khác của gia tộc.

Sau đợt trùng tu này, di tích nhà Vương được giao cho Sở Văn hoá, Thông tin Hà Giang quản lý và khai thác. 

Về việc xây dựng quy chế mới để quản lý di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang nhận định, đặc thù nhà Vương là thuộc sở hữu của dòng họ nhưng được đầu tư tu bổ bằng ngân sách Nhà nước, nên tỉnh Hà Giang cần thành lập tổ công tác để giải quyết dứt điểm vấn đề quản lý, khai thác công trình này. 

Trước đó đầu tháng 6, ông Vương Duy Bảo nêu dự kiến "đóng cửa" khu dinh thự họ Vương ở Đồng Văn, với lý do hai năm nay chính quyền không đầu tư tu sửa khiến khu dinh thự xuống cấp và tỉnh Hà Giang chưa xây dựng được quy chế quản lý khu di tích.

Ông Bảo cũng đề nghị phân chia quyền lợi (từ bán vé) giữa Nhà nước và họ Vương.

Tháng 7/2018, ông Vương Duy Bảo gửi đơn tới Thủ tướng, đề nghị chỉ đạo chính quyền địa phương trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự hơn 100 tuổi của họ Vương. Trong đơn, ông Bảo bày tỏ bức xúc khi biết UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất này từ năm 2012.

Ngày 16/8, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo quá trình giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của tòa dinh thự này.

Ngày 23/8, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang thu hồi sổ đỏ khu dinh thự họ Vương đã cấp cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và các đơn vị có liên quan phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm vì cấp sổ đỏ sai quy định.

Tháng 5/2019, UBND huyện Đồng Văn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của khu dinh thự họ Vương cho hậu duệ vua Mèo (16 người đồng chủ sở hữu).

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ