Giãn cách TP Thanh Hóa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ

GD&TĐ - Chiều nay (1/9), Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP Thanh Hoá.

Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở TP Thanh Hóa.
Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở TP Thanh Hóa.

Theo đó, TP Thanh Hóa sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 7 ngày, kể từ 0h, ngày 2/9 theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn, tổ dân phố cách ly với thôn, tổ dân phố, xã, phường cách ly với xã, phường.

Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo sản xuất an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo đúng quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy; cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa.

Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Người đứng đầu cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực chủ động tham gia khai báo y tế tự nguyện.

Thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở phương Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa.
Chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở phương Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa.

Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND TP Thanh Hóa phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi biện pháp xử lý triệt để các “ổ dịch” tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực và các “điểm dịch” khác.

Tranh thủ từng phút, từng giờ xét nghiệm, truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch”, “điểm dịch”.

Tiếp tục kêu gọi người dân đã qua lại các “ổ dịch”, “điểm dịch” khai báo y tế và liên hệ để được xét nghiệm.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế và các ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo, phối hợp và hướng dẫn UBND TP Thanh Hóa khẩn trương triển khai các phương án giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Yêu cầu tất cả mọi người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đấy”. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuyệt đối không để người dân và các phương tiện di chuyển ra khỏi địa bàn thành phố. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tùy tình hình thực tế và diễn biến dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa được áp dụng một số biện pháp cao hơn nhằm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP Thanh Hóa.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP Thanh Hóa.

UBND TP Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, huy động cao nhất nguồn lực để khẩn trương tổ chức xét nghiệm, tầm soát Covid-19 diện rộng trên địa bàn trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất, trước hết là các cơ quan, đơn vị, địa bàn có các ca dương tính SARS-cov-2 (F0).

Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc ở nhà.

Chỉ những trường hợp thực sự cần thiết, như: trực lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật, các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

Tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lây nhiễm dịch bệnh do không thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch tại công sở.

Giao UBND TP Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai các kênh phân phối, cung cấp đầy đủ điện, nước, lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, hàng hóa thiết yếu, phục vụ sinh hoạt và đời sống nhân dân trên địa bàn.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.