Giải pháp thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới giai đoạn 2017 - 2024

GD&TĐ - Thực hiện Thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 15, Chính phủ đã có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT. Trong báo cáo nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT giai đoạn 2017 - 2024.

Giải pháp thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới giai đoạn 2017 - 2024

Cụ thể, có 7 nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra, gồm:

Tiếp tục xây dựng, ban hành chương trình GDPT mới bảo đảm khoa học, hiệu quả, công khai, minh bạch

Bộ GD&ĐT hoàn thành dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục và tổ chức lấy ý kiến góp ý thông qua đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT, tổ chức các hội thảo và gửi xin ý kiến chuyên gia; tổ chức tập huấn cho người tham gia thẩm định các chương trình môn học và hoạt động giáo dục; tổ chức thực nghiệm các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) căn cứ Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 6/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiến hành thẩm định các chương trình môn học, hoạt động giáo dục và thẩm định (lần 2) chương trình GDPT tổng thể.

Bộ GD&ĐTchỉnh sửa, hoàn thiện và ban hành chính thức chương trình GDPT mới (gồm chương trình GDPT tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục).

Biên soạn SGK theo chương trình GDPT mới bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, tính khả thi và độ tin cậy

Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn biên soạn SGK theo chương trình GDPT mới và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia biên soạn, thẩm định SGK mới.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức biên soạn một bộ SGK theo chương trình GDPT mới gồm đủ các môn học ở các lớp học đáp ứng lộ trình triển khai áp dụng chương trình, SGKmới:

Tuyển chọn chủ biên, tác giả SGK; xây dựng bản thảo SGK; lấy ý kiến góp ý rộng rãi cho bản thảo SGK; thực nghiệm SGK mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học đảm bảo đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới; trình Hội đồng quốc gia thẩm định SGK tiến hành thẩm định sách giáo khoa; phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa.

Căn cứ chương trình GDPT mới và quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK và tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK do Bộ GD&ĐT ban hành, các tổ chức, cá nhân tiến hành biên soạn SGK.

Căn cứ quy định về tiêu chuẩn SGK, tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ GD&ĐT ban hành, các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK được thành lập và tiến hành thẩm định SGK từng môn học (gồm một bộ SGK do Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức biên soạn và các SGK khác do tổ chức, cá nhân biên soạn); Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng SGK.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương, trình Bộ GD&ĐT phê duyệt để đưa vào chương trình GDPT mới.

Tích cực, chủ động chuẩn bị giáo viên và CBQL đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK GDPT

Ban hành chuẩn, tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý, gồm: Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, tiêu chuẩn lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán, khung năng lực giáo viên phổ thông các môn học đặc thù; chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; tiêu chuẩn giảng viên sư phạm cốt cán.

Ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước theo các chuẩn đã ban hành.

Biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học và hoạt động giáo dục theo chương trình GDPT mới; xây dựng và triển khai hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng trên phạm vi cả nước.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới.

Xây dựng, ban hành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường sư phạm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật; ban hành Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên (trong đó có giảng viên trường sư phạm).

Thực hiện đổi mới tuyển dụng, sử dụng giáo viên: Các địa phương quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, chủ động cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của Bộ GD&ĐT trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên;

Tiếp tục rà soát đội ngũ giáo viên, xác định số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học; thực hiện nghiêm túc đánh giá giáo viên, CBQL theo chuẩn nghề nghiệp làm căn cứ bồi dưỡng, đào tạo lại đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GDPT;

Chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn và các cơ sở khác để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL; đảm bảo các chế độ chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý trong thực hiện chương trình GDPT và SGK mới.

Xây dựng và thực hiện các chính sách tạo động lực cho giáo viên và giáo sinh: Xây dựng các quy định gắn kết hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên sư phạm; đồng thời chọn lọc và đào tạo những sinh viên sư phạm giỏi, yêu nghề nhằm bổ sung cho đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông; điều chỉnh, bổ sung các quy chế thực hành nghiệp vụ sư phạm, quy chế thực tập sư phạm của sinh viên sư phạm;

Nghiên cứu chính sách hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm trong thời gian học và sau khi ra trường; nghiên cứu, rà soát và đề xuất chế độ, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, lương, phụ cấp và thu nhập của giáo viên,...

Tiếp tục chuẩn bị cơ sở vật chất để thực hiện đổi mới chương trình, SGKGDPT

Hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo thực hiện theo lộ trình triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGKmới.

Ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình GDPT mới. Các cơ sở GDPT chủ động tiến hành điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường đáp ứng yêu cầu chương trình, SGK GDPT mới;

Ưu tiên bố trí phòng học bộ môn, phòng thực hành, thí nghiệm; rà soát danh mục thiết bị giáo dục tối thiểu hiện hành, chỉ bổ sung những thiết bị thật sự cần thiết, trang bị thiết bị giáo dục ứng dụng kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm chi phí.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về nhân trắc học, hướng dẫn các địa phương mua sắm bàn ghế phù hợp với lứa tuổi học sinh và chương trình, SGK GDPT mới.

Rà soát, điều chỉnh các chuẩn, quy chuẩn về trường lớp học phù hợp với chương trình GDPT mới, làm căn cứ xây dựng, ban hành Đề án tổng thể về cơ sở vật chất, thiết bị trường học (bao gồm cả mầm non, phổ thông và đại học).

Tiếp tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phục vụ đổi mới chương trình, SGK GDPT

Xây dựng, ban hành các văn bản quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn cơ sở GDPT lựa chọn, sử dụng SGK; hướng dẫn xây dựng tài liệu giáo dục của địa phương;…

Sửa đổi, bổ sung các chính sách về nhà giáo và CBQL giáo dục trong quá trình xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nhằm tạo thuận lợi và động lực cho giáo viên, CBQL giáo dục triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông nhằm tăng cường hiểu biết về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT;

Phân biệt rõ đổi mới chương trình, SGK GDPT lần này và các lần trước đó và chỉ ra khả năng dẫn đến kết quả tốt hơn;

Biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong các hoạt động thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT và đổi mới đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, CBQL; tạo sự tin tưởng, lạc quan, đồng thuận đồng thời phát huy hiệu quả đóng góp của xã hội cho công cuộc đổi mới GDPT.

Triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới

Triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021 - 2022, cụ thể:

- Năm học 2019 - 2020: Lớp 1;

- Năm học 2020 - 2021: Lớp 2 và lớp 6;

- Năm học 2021 - 2022: Lớp 3, lớp 7 và lớp 10;

- Năm học 2022 - 2023: Lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

- Năm học 2023 - 2024: Lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Trong thời gian chưa triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới trên phạm vi toàn quốc, các cơ sở GDPT thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình GDPT hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình GDPT và SGK mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ