Gắn kết chặt chẽ, hài hòa 3 yếu tố: Kinh tế, an ninh và đối ngoại

GD&TĐ - Sáng 5/7 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết hoạt động giai đoạn 1996 - 2017 của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Gắn kết chặt chẽ, hài hòa 3 yếu tố:  Kinh tế, an ninh  và đối ngoại

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đạt nhiều thành tựu quan trọng nhờ chúng ta phát huy tối đa nguồn lực trong nước và tranh thủ khai thác nguồn lực bên ngoài, trong đó có phần đóng góp quý báu của của bạn bè quốc tế, bao gồm các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Đảng, Nhà nước xác định công tác đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân nói riêng và công tác đối ngoại nói chung, được gắn kết chặt chẽ với đối ngoại an ninh, đối ngoại kinh tế…

Theo báo cáo của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, hiện nay, Việt Nam có quan hệ với trên 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó, khoảng 500 tổ chức hoạt động thường xuyên tại Việt Nam; hàng năm hỗ trợ khoảng 3.000 chương trình, dự án và khoản viện trợ với giá trị viện trợ giải ngân trong hơn 20 năm qua đạt trên 4,3 tỷ USD không hoàn lại.

Đánh giá cao những kết quả Ủy ban và các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong thời gian vừa qua, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cần có nhiều nguồn lực, chúng ta khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, góp phần phát triển đất nước, thúc đẩy quan hệ ngoại giao hữu nghị hợp tác giữa nhân dân ta và nhân dân các nước.

Các bộ, ngành, địa phương cần xác định công tác về tổ chức phi chính phủ nước ngoài là nhiệm vụ đối ngoại quan trọng, không chỉ của riêng Ủy ban và của tất cả các cấp chính quyền. Trong mọi chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương phải luôn chú trọng xem xét xử lý hài hòa trên cả 3 khía cạnh về kinh tế, an ninh, đối ngoại. Bộ, ngành, địa phương nào làm chưa tốt, để xảy ra sai phạm, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đó chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý, kiểm tra, giám sát theo quy định các hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Một mặt, cắt giảm thủ tục hành chính, mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm khoa học, chặt chẽ hơn; đừng để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, nhất là ở những địa bàn nhạy cảm.

Tiếp tục tăng cường công tác vận động hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; chủ động đề xuất đổi mới phương pháp và hình thức hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giai đoạn tới.

Chiều cùng ngày, cũng tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018. Với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”, Hội nghị có sự tham gia của khoảng 600 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này, cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. Những kiến nghị từ Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy việc triển khai các chương trình hành động của Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...