Du lịch tàu biển Việt Nam: Chưa hấp dẫn du khách

GD&TĐ - Nhiều cảng biển của Việt Nam được chọn là điểm dừng chân thường xuyên của một số hãng tàu biển lớn thế giới trong tuyến du lịch. Một số tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam đã đầu tư phát triển cảng biển phục vụ du lịch thu hút du khách.

Tàu du lịch Celebrity Mlillennium cập bến Cảng khách quốc tế Hạ Long tháng 11/2018
Tàu du lịch Celebrity Mlillennium cập bến Cảng khách quốc tế Hạ Long tháng 11/2018

Nhiều cơ hội phát triển

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong những năm qua, du lịch tàu biển đã từng bước phát triển về nhiều mặt như: Đón trung bình khoảng 300.000 lượt khách du lịch tàu biển/năm với gần 500 chuyến tàu cập các cảng, chiếm từ 2 - 3% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Khách tàu biển du lịch Việt Nam đến từ nhiều thị trường khác nhau như: Châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là ở các thị trường gần như Trung Quốc và ASEAN.

Hệ thống cảng biển, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch của Việt Nam đã từng bước đáp ứng yêu cầu cập cảng của một số hãng tàu biển lớn trên thế giới cũng như trở thành điểm đến hấp dẫn khách quốc tế. Nhiều tàu biển có khả năng chở khách lớn trên thế giới đã cập cảng Việt Nam như: Quantum of the seas, Voyages of the Seas, Dream Cruises... Super Star Aquarius… Các cảng thường xuyên đón khách tàu biển là cảng Hòn Gai, Chân Mây, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu, Phú Quốc... Với hệ thống cảng biển ngày càng phát triển, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến quen thuộc trong hành trình du lịch của các du thuyền quốc tế. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 4 về số lượng tàu cập cảng trong khu vực.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch cho biết: “Việt Nam có một số cảng biển nước sâu đáp ứng được yêu cầu cập cảng của một số tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới. Các cảng biển đã được quy hoạch và đầu tư từng phần để phát triển thành các cảng biển chuyên dụng đón các tàu biển có trọng tải từ 50.000 đến 100.000 GT bao gồm: Hòn Gai (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Đầm Môn (Bắc Vịnh Vân Phong - Khánh Hòa), Nha Trang (Khánh Hòa), Sao Mai - Bến Đình (Bà Rịa - Vũng Tàu), bến khách trên sông Sài Gòn - Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh), Mũi Đất Đỏ (Phú Quốc - Kiên Giang).

Du lịch biển đảo là một sản phẩm du lịch chủ đạo của Việt Nam, do đó du lịch tàu biển đã bước đầu được quan tâm. Chính sách visa và thủ tục đón khách tàu biển tại các cảng biển Việt Nam đã được cải thiện theo hướng thuận lợi hơn rất nhiều so với trước. Cùng với đó, Việt Nam đã quảng bá hình ảnh điểm đến trên các phương tiện truyền thông quốc tế, tích cực tham gia các hội chợ quốc tế và tổ chức nhiều sự kiện quảng bá du lịch tại nước ngoài.

Các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới, kỳ quan thiên nhiên thế giới trong đó có Vịnh Hạ Long, Vịnh Lăng Cô, Vịnh Nha Trang… là các điểm nhấn thu hút khách du lịch nói chung và khách tàu biển nói riêng đến Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch chuyên đón khách tàu biển Việt Nam cũng đã chủ động trong việc hợp tác với các hãng tàu biển quốc tế, không ngừng nâng cao hoàn thiện các chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch tàu biển”.

Cần đột phá

Mặc dù đã đạt được những bước phát triển nhất định, nhưng nếu xét về mặt tài nguyên và so sánh với tăng trưởng khách quốc tế nói chung của Việt Nam và khu vực thì du lịch tàu biển Việt Nam chưa thực sự có bước đột phá.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch: Lượng khách du lịch đến Việt Nam bằng đường biển có nhiều biến động qua các năm. Mặc dù có tăng trưởng nhưng lượng khách du lịch tàu biển chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, từ 2 - 3% trong cơ cấu tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của khách tàu biển so với khách du lịch đi bằng đường không và tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn rất thấp, thậm chí một số năm còn sụt giảm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ thống cảng biển và hạ tầng cảng biển chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hầu hết các cảng biển đón khách mới chỉ là điểm cho tàu cập bến; Một số cảng mới ở trong giai đoạn đầu tư, tuy đã nâng cấp nhiều nhưng chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế; Nhiều cảng đón khách tàu biển thường phải sử dụng chung với các cảng hàng hóa.

Hệ thống dịch vụ, kỹ thuật tại các cảng biển chưa đồng bộ; Một số tàu khách không cập được cảng do phải nhường vị trí cho tàu chở hàng làm ảnh hưởng đến uy tín điểm đến; Hệ thống cảng dừng chân phong phú, song chưa có cảng du lịch trung tâm; Sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch tàu biển còn nghèo nàn, chưa hiệu quả... Do đó, khách tàu biển lưu tại Việt Nam trong khoảng thời gian rất ngắn, trung bình chỉ từ 8 giờ đến 24 giờ. Chi tiêu của khách du lịch tàu biển còn rất thấp. Thông thường khách chi tiêu khoảng dưới 100 đô la/lần cập cảng...

Để du lịch tàu biển Việt Nam phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, tận dụng những cơ hội... trước hết cần có chính sách riêng cho phát triển du lịch tàu biển. Trong đó, việc đầu tư hệ thống cảng biển dành riêng cho đón khách tàu biển, có nhà ga đón khách, cơ sở hạ tầng dịch vụ, các trung tâm mua sắm hiện đại, vui chơi giải trí đồng bộ tại khu vực cảng đáp ứng nhu cầu của du khách...

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.