Du lịch miền Trung như viên ngọc thô được mài dũa

GD&TĐ - Sáng 16/2 tại TP. Huế đã diễn ra “Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên” năm 2019 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo 19 tỉnh thành miền Trung- Tây Nguyên

Du lịch miền Trung như viên ngọc thô được mài dũa

Muốn đi xa hãy đi cùng nhau

Phát biểt khai mạc Hội nghị, đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho biết:

Trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,5 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt hơn 80 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đón khoảng 56 triệu lượt khách; khách quốc tế đón hơn 9,5 triệu lượt (chiếm khoảng 28% khách quốc tế cả nước); tổng thu từ du lịch hơn 110 ngàn tỷ đồng (chiếm khoảng 18,75% tổng thu du lịch của cả nước).

Những con số này đã khẳng định du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều điểm đến ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhất là ở những địa phương như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng,...

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận như trên, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. Trong đó nổi lên những tồn tại đáng lưu ý như: lượt khách du lịch tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều, đa số tập trung ở các điểm đến như như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt…; tổng doanh thu từ du lịch còn thấp (chỉ đạt 18,75% cả nước).

Tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và trong hoạt động xúc tiến, quảng bá… Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy lợi thế so sánh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nâng cao tính cạnh tranh so với các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian tới, ông Phan Ngọc Thọ đề xuất chính phủ cần xem xét thí điểm cơ chế, chính sách tạo động lực nhằm đưa du lịch miền Trung - Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp và mở rộng các dự án cảng hàng không quốc tế: Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Plei Ku để phát triển du lịch; Cho phép xã hội hóa thu hút đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế để xây dựng cảng biển du lịch Vùng, trước hết ưu tiên đầu tư 2 cảng du lịch biển Chân Mây và Nha Trang.

Tiếp tục hoàn thiện đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, xây dựng tuyến đường cao tốc Gia Lai - Đà Nẵng; xây dựng nội tuyến ven biển miền Trung. Hỗ trợ bố trí vốn Trung ương để đầu tư xây dựng hạ tầng các Khu du lịch quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Cho phép lấy visa trực tiếp tại các cửa khẩu hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài và cửa khẩu đường bộ Lao Bảo…

Gia hạn thời gian đối với thị thực rời cho khách du lịch quốc tế đến Vùng duyên hải miền Trung bằng đường biển và duy trì mức thu phí thị thực nhập cảnh là 5 USD/người, như mức cấp giấy phép tham quan, du lịch VN được quy định tại thông tư số 66/2009/TT-BTC ngày 30/3/2009 của Bộ Tài chính để phấn đấu đạt 18 triệu lượt khách quốc tế 2019

Tư duy liên kết du lịch còn theo kiểu mạnh ai nấy làm

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, TS. Trần Du Lịch đã chỉ rõ 19 các tỉnh miền Trung cần chuyển tư duy từ vùng du lịch sang điểm du lịch. Trong đó vai trò kinh tế tư nhân quan trọng trong phát triển du lịch, đây là những con sếu đầu đàn liên kết. Du lịch là sự nối kết giữa các con tim, trái tim của những người đi du lịch cần gắn kết với hoạt động du lịch, dich vụ địa phương.

Đề cập về tính liên kết giữa các tỉnh miền Trung chuyên gai kinh tế TS. Trần Đình Thiên thẳng thắn chỉ rõ Phát triển du lịch tại khu vực này vẫn còn tư duy tính mạnh ai nấy làm, đây là điều cần phải lí giải rất rõ.

Miền Trung có nhiều điểm mạnh nhất đó là “điểm mạnh ai nấy làm”. Để cho du lịch miền trung phát triển phải giải quyết những thể chế, chính sách chung. Tầm nhìn, quy hoạch phát triển du lịch hiện ở đây như thế nào, phải tư duy lại quy hoạch vì hiện tại quy hoạch du lịch ở đây dựa trên những gì đã có sẵn. Đó là quy hoạch hỏng, không phải nỗ lực tạo ra sự cạnh tranh.

Bên canh đó tính manh mún, quy hoạch bó từng tỉnh mà tinh thần kết nối không làm được. Đặc biệt thiếu thể chế vùng, thiếu quyền tự chủ cần thiết của các địa phương dẫn đến nhiều địa phương hay còn tính xin cho “ Quan điểm của tôi cần có thêm nhiều chính sách cho du lịch để biến ngành này thành ngành mũi nhọn, trong lúc đó chính Du lịch lại là ngành đi xin chính sách nhiều nhất. Vấn đề đặt ra phát triển du lịch của các tỉnh miền Trung phải dựa vào hai cánh gà Hải Vân làm trụ. Còn lại làm sao thu hút nhà đầu tư lớn, chiến lược, lâu dài. Không phải dành tặng những lời khen cho những người làm du lịch mà phải tạo ra áp lực liên tục, có như thế du lịch mới phát triển”, TS. Trần Đình Thiên chỉ rõ.

Đại diện cho các đơn vị lữ hành, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, du lịch các tỉnh miền Trung kết nối giao thông, tiếp cận toàn bộ sản phẩm du lịch sinh thái biển. Hiện các tỉnh đang lãng phí tài nguyên du lịch biển vì chỉ khai thác một phần nhỏ trên bề mặt nước như tắm biển nghỉ dưỡng, mà chưa triển khai các dịch vụ lặn, khai thác dưới đáy đại dương. Còn đối với những chính sách đưa ra chưa tập trung chưa thúc đẩy người dân tham gia vào du lịch, khách đến đâu phải quản trị chặt thương mại đến đó.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Du lịch Miền Trung – Tây nguyên đại diện cho các tài nguyên du lịch vốn có của Việt Nam. Hội đủ điều kiện phát triển các cụm ngành du lịch đồng bộ, khám phá biển, hang động. …Tài nguyên du lịch miền Trung như viên ngọc thô chưa được mài dũa nhưng đôi khi nhiều tài nguyên du lịch cũng là bất lợi bởi vì lưỡng lự trong lựa chọn nhà đầu tư.

Thủ tướng nhắc nhở các tỉnh muốn du lịch phát triển cần có dịch vụ tốt, an toàn, thân thiện, chu đáo với du khách. Kiên quyết thu hồi các tài nguyên du lịch đã giao cho các chủ đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả. Du lịch gắn với sinh kế người dân địa phương. Đặc biệt phải đưa văn hóa bản địa đến với du khách, tuyệt đối không bán rẻ văn hóa Việt Nam với du lịch thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ