Dự án Nghĩa trang TP Sơn La: Lời nói dối… “ngọt ngào”?

GD&TĐ - Làm việc với Báo GD&TĐ liên quan đến dự án Nghĩa trang nhân dân TP Sơn La (Nghĩa trang Sơn La), ông Phan Minh Châu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Sơn La khẳng định “dự án vẫn chưa có nhà đầu tư”.

Trước “làn sóng” dư luận phản đối dữ dội từ phía nhân dân, dự án Nghĩa trang Sơn La bất động
Trước “làn sóng” dư luận phản đối dữ dội từ phía nhân dân, dự án Nghĩa trang Sơn La bất động

Tuy nhiên, trên thực tế, UBND TP Sơn La đã chi hơn 46 tỉ đồng để có gần 400 nghìn m2 mặt bằng “sạch”, còn nhà đầu tư thì cũng đang “hoàn tất thủ tục” từ cuối năm 2018.

Nói một đằng, làm một nẻo?

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Phan Minh Châu khẳng định dự án Nghĩa trang Sơn La chưa hề có nhà đầu tư. “Đã có nhà đầu tư đâu, chỉ có một đơn vị được giao nghiên cứu đề xuất quy hoạch. Bây giờ phải đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Còn hiện tại mới chỉ là giao cho Công ty Phúc Lạc Viên Sơn La nghiên cứu đề xuất về quy hoạch”, ông Phan Minh Châu nói.

Thế nhưng, Văn bản số 1066/BC-UBND của UBND TP Sơn La ban hành vào ngày 11/12/2018 với nội dung báo cáo kết quả thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng Nghĩa trang Sơn La lại “tố cáo” những gì ông Châu nói. Báo cáo nêu rõ, đến tháng 12/2018, UBND TP Sơn La đã tiến hành chi trả tổng giá trị hơn 46 tỉ đồng cho diện tích giải phóng mặt bằng gần 400 nghìn m2. “Ngày 18/10/2018, thành phố đã bàn giao mặt bằng sạch cho Công ty Cổ phần Dịch vụ, môi trường đô thị Sơn La triển khai thi công dự án. Công tác hoàn thành quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định”.

Nhiều giảng viên phản đối việc xây dựng nghĩa trang, lò hỏa táng "sát vách" trường Đại học Tây Bắc
Nhiều giảng viên phản đối việc xây dựng nghĩa trang, lò hỏa táng "sát vách" trường Đại học Tây Bắc

Như vậy, nghĩa là trong dự án trên đã có nhà đầu tư và họ đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ cần thiết để trình duyệt từ tháng 12/2018. Ông Châu cho rằng, sau khi nhận được sự “hỗ trợ” từ phía “trọng tài”, tỉnh Sơn La mới tiến hành thủ tục đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Chẳng biết ông Châu vô tình hay hữu ý mà đã có những phát ngôn “bất nhất” như vậy trước báo chí? Phải chăng là ông đang “đánh võng” để báo chí có những góc nhìn thiếu đầy đủ về câu chuyện?

“Đánh tráo” khái niệm vị trí?

Còn nhớ, hồi cuối năm 2018, dự án Nghĩa trang Sơn La khi triển khai đã “vấp” phải “làn sóng” phản đối mạnh mẽ từ phía cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên Trường Đại học Tây Bắc và nhân dân. Thành uỷ Sơn La đã phải làm việc với Đảng uỷ Trường ĐH Tây Bắc. Tại cuộc làm việc này, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc TS Đoàn Đức Lân, cũng như các giảng viên khác cho rằng, dự án này đang tồn tại nhiều bất cập. Nổi bật nhất là việc chọn địa điểm để triển khai. Mọi người cho rằng, theo QCXDVN 01:2008/BXD, nghĩa trang xây dựng mới phải bố trí ở ngoài đô thị. Đặc biệt, nghĩa trang hung táng, nghĩa trang chôn cất một lần không được bố trí trong nội thị. Trong khi đó, dự án này được triển khai tại Phiêng Khá, bản Buổn, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La, tiếp giáp một phần với phường Quyết Tâm và xã Chiềng Ngần. Ranh giới nghĩa trang bị bao bọc bởi hai đơn vị hành chính cấp phường và một cấp xã thuộc TP Sơn La liệu có thể coi khu vực này là đất “ngoài đô thị” như cách hiểu của các ngành chức năng tỉnh Sơn La hay không?

Sơn La xác định vị trí triển khai dự án (nằm giữa bản đồ) là “đất ngoài đô thị”, trong khi vị trí này nằm giữa phường Quyết Tâm, Chiềng Cơi và xã Chiềng Ngần thuộc TP Sơn La
  • Sơn La xác định vị trí triển khai dự án (nằm giữa bản đồ) là “đất ngoài đô thị”, trong khi vị trí này nằm giữa phường Quyết Tâm, Chiềng Cơi và xã Chiềng Ngần thuộc TP Sơn La

Ông Phan Minh Châu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Sơn La một mực cho rằng, mặc dù nó được bao bọc bởi các đơn vị hành chính thuộc thành phố song vẫn không nằm trong đô thị (?). “Theo quy hoạch đô thị được duyệt năm 2014, TP Sơn La có đường biên ranh giới chung về xây dựng. Nếu công trình nằm ngoài quy hoạch đấy, tức là nằm ngoài khu vực quy hoạch chung đô thị TP Sơn La”, ông Châu lý giải.

Lý giải là như vậy, nhưng tại Quyết định 1903/QĐ-UBND của UBND tỉnh Sơn La ban hành ngày 8/8/2016 về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng TP Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn 2030 lại xác định: “Khu vực nội đô hiện hữu: Là khu vực nội thị của TP Sơn La, bao gồm 7 phường: Chiềng Lề, Tô Hiệu, Quyết Thắng, Quyết Tâm, Chiềng An, Chiềng Sinh và Chiềng Cơi”.

Còn tại Khoản 3, Điều 4, Chương I, Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 7/5/2009 của Chính phủ có quy định về phân loại đô thị như sau: “Đô thị loại III là thành phố hoặc thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thành, nội thị và các xã ngoại thành, ngoại thị”.

Ở khía cạnh khác, chính những phát ngôn của ông Phan Minh Châu lại đang mâu thuẫn với nội dung mà các văn bản Sơn La đã ban hành. Có thể kể đến Báo cáo số 1066/BC-UBND của UBND TP Sơn La về tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án trên. Báo cáo nêu rõ: “Vị trí thu hồi đất là của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, khu vực Phiêng Khá thuộc bản Buổn, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ