Dự án đường Quốc lộ 1 - Đầm Môn ở Khánh Hòa: Dân bức xúc vì đền bù không thỏa đáng

Dự án đường Quốc lộ 1 - Đầm Môn ở Khánh Hòa: Dân bức xúc vì đền bù không thỏa đáng

Tuy nhiên, việc bồi thường không nhất quán khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, đơn thư khiếu kiện kéo dài.

Đang yên bình bỗng sợ… vô gia cư

Dự án trên do Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Phong làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư là 998 tỷ đồng. Việc giải tỏa mặt bằng và bồi thường do UBND huyện Vạn Ninh thực hiện. Số hộ dân bị giải tỏa chủ yếu nằm trên địa bàn xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Những ngày cuối tháng 3/2020, PV Báo GD&TĐ đã đến khu vực thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, để ghi nhận thực tế về vấn đề trên. Tại đây, PV được nhiều hộ dân cho biết, từ khi có Dự án đường Quốc lộ 1 - Đầm Môn ở Khánh Hòa thì hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó có 28 hộ dân tại đây được thông báo giải tỏa toàn bộ nhà cửa, thu hồi đất và được bồi thường với giá quá thấp.

Ông Nguyễn Sơn (thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ) nói: “Hiện giá bồi thường đất thấp. Chúng tôi không mua nổi đất mới sau khi bị giải tỏa chứ làm sao xây được nhà mới để ổn định cuộc sống. Việc thu hồi đất bắt đầu từ năm 2018. Đến năm 2020 mới bồi thường. Nhưng đơn giá đất lại tính theo năm 2017. Đất bị thu hồi. Nhà bị giải tỏa. Nhưng chính quyền lại không cấp đất tái định cư cho chúng tôi. Một làng quê bình yên từ xưa đến nay, bỗng chốc chúng tôi lại phải sống trong cảnh nơm nớp nỗi lo vô gia cư”.

Hiện, Dự án đường Quốc lộ 1 - Đầm Môn vẫn đang triển khai. Trong đó công tác giải phóng mặt bằng, đền bù vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Nó đang là tâm điểm của những bức xúc của người dân nơi đây. Theo một số người dân xã Vạn Thọ, tình trạng này diễn ra từ nhiều năm. Người dân nhiều lần khiếu nại nhưng chính quyền không giải quyết. Có 28 hộ dân chưa nhận tiền giải tỏa đền bù gửi đơn khiếu nại đến nhiều cấp thẩm quyền.

Theo đại diện 28 hộ dân trên: “Nhà cửa bị giải tỏa, thu hồi phần lớn diện tích đất đai nhưng không được đền bù tái định cư. Giá đất đền bù quá thấp không đủ để mua đất mới. Trong khi đó, thu hồi đất từ năm 2018 và trước đó, nhưng đến năm 2020 mới thực hiện đền bù nhưng lại tính giá đất theo năm 2017 là điều vô lý”.

Không thể ổn định cuộc sống sau đền bù

Dự án đường Quốc lộ 1 - Đầm Môn ở Khánh Hòa: Dân bức xúc vì đền bù không thỏa đáng ảnh 1
Ông Nguyễn Sơn bức xúc vì nhà và đất bị thu hồi giải tỏa nhưng việc bồi thường không thỏa đáng. Ảnh: TG

Một số hộ gia đình tại đây có đất bị thu hồi gồm các ông/bà Trần Văn Gần, Phạm Ngã, Nguyễn Thị Điểm, Nguyễn Tâm… cho biết: “Đơn giá bồi thường đất và nhà khá thấp. Cụ thể, đất thổ cư: 306.000 đồng/m2, đất trồng cây hàng năm là 194.000 đồng/m2, đất nuôi trồng thủy sản 25.200 đồng/m2. Đơn giá này thấp hơn hàng chục lần so với giá thực tế theo thị trường”.

Ông Nguyễn Sơn (45 tuổi, thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ) cho hay: “Tôi bị thu hồi đất với diện tích là 903,5 m2, trong đó có 1 ngôi nhà kiên cố trên 100 m2, nhưng chỉ được bồi thường tổng cộng 764 triệu đồng và không hỗ trợ tái định cư.

Với số tiền này, gia đình tôi không thể mua được một lô đất khoảng 100m2 cùng vị trí chứ nói chi làm nhà để ở. Chính quyền lấy giá đền bù từ năm 2017 để áp cho giá đền bù năm 2020 là sự chênh lệch lớn, thiệt hại đều thuộc về người dân”.

Còn ông Bùi Trọng Thừa (85 tuổi, thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ) nói: “Gia đình tôi bị thu hồi đất và nhà với diện tích 361,1 m2. Nhưng chỉ được bồi thường tổng số tiền là 425 triệu đồng và không có đất tái định cư. Nhà tôi có 9 nhân khẩu. Các con và cháu đều ở chung một căn nhà cấp bốn. Cái nhà này cũng đang nằm trong diện thu hồi để giao dự án. Hiện với số tiền trên tôi đang lo làm sao đủ mua đất, xây nhà mới”.

Ông Thừa thắc mắc thêm, khi làm đường thì người dân chúng tôi lại mất nhà, mất đất và phải đối diện với cuộc sống vô gia cư. Đó có phải đó là chủ trương của Nhà nước hay không? Chúng tôi đồng tình việc phát triển các dự án làm đường để phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, cũng phải bảo đảm cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn trước theo tinh thần của Chính phủ đề ra.

“Trước đó, chúng tôi được UBND xã Vạn Thọ mời đến làm việc và thông báo rằng chúng tôi bị thu hồi số diện tích đất và bồi thường bao nhiêu tiền, rồi yêu cầu chúng tôi ký vào biên bản chứ không giải thích cho chúng tôi biết rõ. Thắc mắc việc thu hồi không rõ ràng và yêu cầu được bồi thường tái định cư thì chính quyền từ chối mà không rõ lý do”, ông Nguyễn Văn Minh một người dân nói thêm.

Liên quan đến vấn đề trên, PV được ông Trần Kim Bảo, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Một số hộ dân đã được xét tái định cư lại lấn chiếm đất rừng phía sau. Thế nhưng lại có một số hộ dân không được xét tái định cư. Như vậy là thiếu công bằng và gây bức xúc. Người dân họ khiếu nại cũng đúng. Vì những hộ dân được cấp tái định cư rồi mà họ lại lùi ra sau xây nhà. Cái này là trách nhiệm của địa phương quản lý không chặt chẽ”, ông Bảo nói.

Ngoài ra, cũng theo ông Bảo, chính quyền có phần “lơ là” quản lý không chặt chẽ để các hộ dân lấn chiếm xây nhà trái phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.