Đời làm báo vui và khổ

GD&TĐ - Không phải ai cũng có thể làm nghề nhà báo cho được. Nghề này đòi hỏi một số năng khiếu và kỹ năng đặc biệt mà không phải cứ rèn luyện, dạy dỗ là làm tốt. Do đó, làm báo luôn là một nghề đáng được coi trọng, tự hào nếu bạn dấn bước làm nghề.

Vừa tác nghiệp vừa cứu nạn nhân
Vừa tác nghiệp vừa cứu nạn nhân

Nghề có niềm vui riêng mà các nghề khác không có được. Nhưng làm nghề, cũng có nghĩa là bạn sẽ gặp những hiểm nguy, những khó khăn thách thức không ngừng mỗi ngày. Thêm vào đó, bạn không thể già được, không thể cũ kỹ được nếu bạn làm nghề báo. Và thời nay, khi công nghệ thông tin bùng nổ, nghề báo lại càng thêm nhiều gian truân, khổ ải.

Nghề vui

Vui chi mà vui lạ. Đó là niềm vui khi bài báo lên khuôn và xuất hiện trên mặt báo, phát hành ra sạp báo. Những thực tế cuộc sống ngồn ngộn, qua lăng kính riêng của bạn, được tái hiện, được sống thêm một đời sống nữa, vừa như thực tế lại không như thực tế. Đó là một thế giới khác mà bạn, nhà báo viết nên sự kiện, được quyền tham gia trước tiên, được quyền phán quyết trước tiên. Niềm vui ấy dễ gì ai có được.

Nhà báo lão thành Hữu Thọ có nói, vui nhất là khi mình vừa tham gia sự kiện xong, về viết bài nóng hổi, và sáng sớm hôm sau khi ra sạp báo, đã thấy bài của mình đăng rồi, người đọc đã mua và đang đọc, đang bàn tán về nó rồi. Còn có niềm hạnh phúc nào hơn!

Ngày nay, khi báo mạng lên ngôi, nhà báo lão thành kia và đồng nghiệp của ông không còn phải chờ tới sáng mai nữa, ngay ngày hôm đó, khi ông kết thúc chữ cuối của bài báo và gửi bài đi, thì có khi chỉ trong vòng nửa tiếng sau, bài báo đã xuất hiện phục vụ bạn đọc, đã có thể gây nên một cơn chấn động trong dư luận. Ai có thể gây ảnh hưởng đến thế ngoài những nhà báo xuất sắc, những cây viết gai góc?

Vui sao khi có trong tay một nghề mà cuộc sống của bạn sẽ luôn thay đổi thú vị xoay quanh nghề đó. Một nghề mà như nhà báo quá cố Trần Hòa Bình đã khẳng định, rằng “không ngày nào được phép giống ngày nào”. Từ “nhàm chán” không có trong từ điển của nghề nhà báo. Khi đã là một nhà báo thực thụ, thì mỗi ngày bạn cần tìm ra thông tin mới, bạn phải có phát hiện mới.

Điều này khá áp lực, tuy nhiên, nó cũng gây tò mò, hồi hộp và gay cấn y như một cuộc thám hiểm rừng hoang dã, hang sâu thẳm chưa từng có ai đặt chân, hay một cuộc truy lùng, điều tra tội phạm vậy... Khi phát hiện ra nguồn tin mới, bạn mừng như khám phá ra cả một kho báu. Đúng vậy, thông tin là kho báu, và qua ngòi bút của bạn, thông tin sẽ góp phần thúc đẩy xã hội tiến bộ hàng ngày. Mỗi nhà báo là một cỗ máy sản xuất thông tin, và vì thế mà tầm ảnh hưởng của nhà báo đối với đổi thay của xã hội là rất quan trọng.

Nhà báo xuất sắc phải là người có con mắt thứ ba. Làm sao mà trong một ngày bình thường nhất, một ngày yên ả nhất, tưởng như chẳng có thông tin gì, sự kiện gì đặc biệt xảy ra để tạo nên bài báo, mà nhà báo kỳ tài lại có thể phát hiện ra vấn đề ẩn sâu dưới bề ngoài yên ả ấy.

Bản chất của cuộc sống là luôn vận động, đổi thay. Vì thế, ngay cả trong một ngày yên ả, thì sự đổi thay đã ngầm chứa trong ngày rồi, nhà báo cần có con mắt thứ ba để nhìn ra sự biến động ngầm ấy và phản ánh. Còn nhà báo nào chờ sự kiện xảy ra rồi mới phản ánh thì cũng chỉ là loại xoàng thôi.

Con mắt thứ ba ấy của nhà báo không chỉ nhìn sự vật, sự việc như nó vốn thế, mà phải nhìn sự vật, sự việc ấy như nó phải là. Do đó, nhà báo luôn có những câu hỏi vô cùng khó chịu. Những câu hỏi móc máy, những câu hỏi gây đau đớn, những câu hỏi khiến người ta muốn chạy trốn, thậm chí là muốn tấn công lại nhà báo. Nhưng trong bất kể trường hợp nào, nhà báo không nương tay, cũng không cả nể, không tình cảm.

Đó là công việc. Sự chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp thể hiện trong câu hỏi của nhà báo. Cũng có những câu hỏi tỏ ra vô cùng ngu ngốc, nhưng bạn hãy coi chừng, đó có thể là một câu hỏi như cái bẫy của một nhà báo thông minh. Câu hỏi khiến đối tượng xem thường, và chỉ một giây xem thường thôi sẽ khiến đối tượng mất cảnh giác và “thốt ra điều cốt tử”.

Có niềm vui nào hơn khi nhà báo tóm được thông tin độc đáo. Giống như bạn được gắn một huân chương và hơn thế nữa. Khi thông tin độc đáo của bạn được đăng lên, đồng nghiệp tinh tế đọc được, dù họ không nói một lời nào, không bình luận hay khen ngợi một câu nào, thì sự ngầm hiểu và đánh giá cao ấy sẽ nâng bạn lên một cấp bậc mới mà chỉ người trong nghề mới biết, mới hiểu. Đó là những tầng mức vô hình mà mỗi nhà báo chuyên nghiệp đều âm thầm nỗ lực hàng ngày để đạt tới.

Những thách thức của sự suy tàn

Trong một cuộc điều tra tiến hành năm 2016, kết luận được đưa ra gây choáng váng: Nghề báo là nghề thảm nhất trong năm. Quả vậy, với sự phát triển đột ngột, vũ bão của công nghệ thông tin, thì nghề nhà báo, phóng viên bị đe dọa nhiều nhất. Sự cạnh tranh không chỉ đến từ mỗi đồng nghiệp, mà nhà báo phải cạnh tranh với toàn nhân loại, khi bất cứ ai, từ một đứa trẻ mới biết dùng điện thoại thông minh, cũng trở thành một kẻ đưa tin đắc lực và thu hút sự chú ý của công chúng.

Nhìn ra xung quanh, người ta chơi facebook ào ào, mỗi ngày mỗi người đều đưa lên biết bao thông tin đa dạng, hình ảnh lạ lẫm nhằm thu hút chú ý. Vậy thì nhà báo làm sao để cạnh tranh nổi trước một sức mạnh như thác lũ vô tận ấy?

Và cũng mới đây, nghề nhà báo được xếp trong Top 10 nghề sớm biến mất trong tương lai gần. Đối diện với sự suy tàn được báo trước của nghề không phải là một điều dễ chịu. Nhà báo đứng trước một thách thức lớn nhất trong lịch sử nghề, buộc phải tìm ra lối thoát thông minh, hay là để nghề suy tàn và biến mất.

Bản thân mỗi nhà báo cũng phải từng ngày vượt qua sự suy tàn đến sầm sập đó. Nicolas Cornet, một nhà báo Pháp kỳ cựu, gần 30 năm trong nghề, người từng tìm ra cách làm báo độc đáo hơn so với các đồng nghiệp Pháp, ấy là chuyên làm mảng phóng sự ảnh Việt Nam và Đông Dương cho các báo, tạp chí như Paris Match, Le Monde, Marie Claire...

Xưa kia, thời hoàng kim của báo chí, khi mỗi báo đặt anh làm phóng sự ảnh về Đông Dương, anh được họ chi trả tiền vé máy bay khứ hồi, tiền khách sạn, tiền ăn trong suốt chuyến công tác, và nhuận bút đặc biệt. Đến nay, Việt Nam và Đông Dương không còn là thứ “hàng độc quyền” của Nicolas nữa rồi. Trên mạng tràn lan hình ảnh, những câu chuyện đa dạng và đặc biệt nhất về chủ đề Đông Dương và Việt Nam.

Nicolas phàn nàn “Các báo Pháp bây giờ cũng tệ lắm, họ giữ khư khư túi tiền không muốn chia cho ai. Họ vắt kiệt nhà báo chúng tôi đến chết.” Nhưng không vì thế mà Nicolas cắt những chuyến đi viết và chụp ảnh về Việt Nam và Đông Dương, nhưng để lo cho chuyến đi, anh phải khéo kết hợp làm thêm các việc cho các tổ chức quảng cáo, các cơ quan về môi trường...

Cũng có nhà báo Việt, làm giống như Nicolas, ấy là tự đầu tư những chuyến đi ra nước ngoài để tìm hiểu và có tài liệu độc đáo để viết bài. Tuy nhiên, ngoài việc phải cạnh tranh với lượng thông tin khổng lồ trên mạng, thì việc kiếm từng đồng lẻ từ nhuận bút nhằm bù lại cho chi phí quá lớn của chuyến đi xa xem như bất khả. Nhà báo Ta hay Tây trong cơn nguy khốn suy tàn của nghề cũng đều phải tự loay hoay xoay sở. Với người say nghề nhà báo, thì dù rơi xuống vực thẳm cũng phải tự đứng lên, và biết đâu qua cơn khốn khó tột cùng, sẽ lại lột xác mà lớn lên 

Đời làm báo vui và khổ ảnh 1Đời làm báo vui và khổ ảnh 2Đời làm báo vui và khổ ảnh 3Đời làm báo vui và khổ ảnh 4

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ