Đoản khúc trên những nấm mồ

GD&TĐ - Phóng xạ chảy trong huyết quản của họ, như một hữu lẽ tự nhiên, như cơ man suối ngàn nơi đây, dù qua bao sơn tản liêu xiêu lau lách, cuối cùng cũng phải đổ vào sông Lô. Nó đã trở thành quy luật, bất biến, đời nối đời, dằng dặc. Và những nấm mồ, cứ lan rộng khắp núi rừng. Họ đã sống hoang hoải thế, gần sáu mươi năm!

Toàn cảnh khu tái định cư.
Toàn cảnh khu tái định cư.

Tôi đến cửa rừng Đông Cửu lúc nắng thu heo hắt, pha loãng bớt cái ảm đạm nhớp nháp sa mù sau cơn mưa đêm. Cảnh ấy, khiến miền núi hơi hướm trung du của Thanh Sơn (Phú Thọ) chẳng khác một buổi tàn đông.

Cách đây 15 năm, khi chút bóng dáng khoa học len lỏi về Dấu Cỏ, bản công giáo người Dao mới nhận ra, mấy chục thập kỷ qua, họ ăn ngủ chung với “tử thần”. Họ chẳng hiểu nguyên tố hạt nhân là gì, nhưng họ khao khát trốn chạy, thoát khỏi xứ sở mà tổ tiên đã khai phá mở mang.

Lâu lắm rồi, người ta không thống kê nữa, bởi những nấm mồ sơ sinh còn nhiều hơn người lớn, bằng cả nửa dân số bà con ở bản. Trong chiếc chòi canh rừng lụp xụp, vị trưởng bản Dấu Cỏ vừa kể vừa nhìn trời. Phía góc chòi, bức ảnh Chúa gắn vào trảng cây rung lên bần bật, theo gió giật từng cơn, lời ông kể, âm u phong thanh, vấp vào vách núi. Dấu Cỏ đón tôi với những viền ta luy lở loét ngút ngát cô liêu đó, tận cùng, khi không có đường để đi nữa.

Xóm rừng ở “rốn tử thần”

Mấy chục con người co cụm thành cái xóm rừng heo hút đó, vào năm 1961. Sau nhiều ngày bàn luận lung lắm, đồng bào Dao ở Dấu Cỏ kiên định ý chí hạ sơn, chấm dứt hàng chuỗi thập kỷ lang bạt non cao mà ông cha để lại. Họ miệt mài đi, cuối cùng dừng chân bên dòng suối góc rừng Đông Cửu. Từ đây, cuộc đời của 20 hộ dân khi ấy mở sang trang mới, viết nên bao đau thương, bế tắc, với tang tóc, bệnh tật triền miên, trùm lên ngôi làng thê lương năm này nối năm khác, đời nọ nối đời kia.

“Trong gần 10 năm trời, cả bản không tăng thêm hộ dân nào. Trẻ con mất nhiều quá, không thể kể tường tận bao nhiêu phụ nữ mang thai chết lưu, chỉ láng máng thống kê được những đứa “may mắn” chào đời. Rồi vài tuổi, thậm chí vài tháng, cứ dị dạng, liệt não, bất thình lình sau một đêm trở thành cái xác cứng đờ”, ánh mắt trưởng bản Lê Văn Chiêu vô định, rơi vào thung lũng ngờm ngợp phía xa.

Đến nay, ông Chiêu đã làm trưởng bản Dấu Cỏ ngót hai thập niên, lấy hai đời vợ, mất bốn đứa con. Nhớ lại cái dáng người vợ đầu, bỏ ông đi trong ngày mưa tầm tã, cứ nhỏ dần sau triền dốc, mười mấy năm vẫn day dứt ám ảnh, bảo với tôi, bà ấy đúng, bà ấy khao khát được làm mẹ, nhưng nếu ở lại và sinh thêm những đứa con, chắc gì chúng sống nổi. Vợ ông rời làng, để ông chông chênh nỗi đau quá khứ, ngày ngày bên hai ngôi mộ thấp tè, hai người con, chúng mất khi lên hai, lên bốn.

...Dấu Cỏ tối rất nhanh. Đồi rừng trải dài lám nhám xám, lép nhép sương vương, ẩm ướt như mắt người thiếu nữ đương khóc dở. Hai bên núi lở liên miên, hoa dại rạp nát lẫn bùn tựa những đàn bướm chết. Thứ khí hậu khắc nghiệt khiến quanh năm chỉ có dân bản địa, không ai xuôi ngược bận tâm đến cái thôn ổ vùng cao thưa thớt ấy.

Thế nhưng, vài phụ nữ đã bén duyên xứ sở lặng lẽ này. Họ đem chút tươi sáng về bản, bởi họ sống cách xa bản hàng trăm cây số, biệt tịch hẳn với tiếng khóc tang thương hàng mấy thập kỷ nơi đây. Dẫu sao, đàn ông ở Dấu Cỏ lấy được vợ dưới xuôi cũng là cuộc cách mạng rồi.

Chị Nguyễn Thị Sỹ - người vợ thứ hai của trưởng bản Lê Văn Chiêu, quê tận Thanh Thủy, quen ông mấy bận xuống chợ, khi lên núi đã thành vợ chồng. Lên núi chị mới biết, Dấu Cỏ nhiều nấm mồ trẻ con đến thế.

Đằng đẵng chuỗi ngày, chị chứng kiến bọn trẻ trong làng nô đùa dọc những triền đồi dốc dác, đứa nào da cũng xanh bủng, ốm nhách, đầu to lêu bêu, đi liêu xiêu như kéo lê cái thân tàn theo thời gian. Rồi có đứa hôm sau không còn thấy mặt. Cái thai trong bụng cứ lớn dần cùng bao hoang mang lo sợ. Và tới tháng thứ năm, đứa trẻ đã không còn cơ hội chào đời. “Vợ tôi tiếp tục mang thai, tưởng sẽ sinh được, nhưng đến tận tháng thứ tám rồi mà nó lại bỏ đi.

Nay vợ chồng tôi có hai con, dù càng lớn chúng càng ngờ nghệch, thiểu năng trí tuệ, song vẫn may hơn nhiều gia đình...”, nước mắt lăn thành vệt trên lưỡng quyền xạm đen của ông. Sáng nào cũng vậy, công việc đầu tiên người Dấu Cỏ làm, là chạy đến giường nhìn khuôn mặt con mình, nắn nắn đo đo, xem kích thước, hình dạng thay đổi gì không. Và phải đợi chúng qua tuổi 13 mới yên tâm.

Một góc bản Dấu Cỏ - khu vực nhiễm xạ.
 Một góc bản Dấu Cỏ - khu vực nhiễm xạ.

Niềm tin dần ăn mòn trí nghĩ

Đường vào Dấu Cỏ qua nhiều dốc. Trụ sở chính quyền xã Đông Cửu nằm kế bên một con dốc cao nhất. Từ phía đó, Phó Chủ tịch xã Phan Huy Biên, chỉ tay bảo, cánh đồng dưới chân núi là người Dấu Cỏ vỡ hoang, trước chỉ có đồi hóa. Nơi góc rừng vô số vườn mận, vào mùa hoa trắng như sương.

Thời thập niên 90, cây lương thực, hoa màu, gia súc, gia cầm cho năng suất, dân làng no đủ. Từ năm 2000 trở đi, ngô lúa kém hẳn, gà vịt hầu như không đẻ trứng nữa... Mới đầu, ai cũng đổ lỗi do thời tiết, nhưng rồi người làng ốm yếu, bệnh tật nhiều, những cái chết dần tăng, họ lại nói, chắc “ma rừng” làm! Và lập đàn cúng bái, mời thầy tứ phương, song rốt cuộc ngôi làng xơ xác ấy vẫn chẳng thêm được nhân khẩu nào.

Năm 2004, trưởng bản Lê Văn Chiêu vận dụng hết vốn tiếng Việt, viết lá đơn gửi lãnh đạo xã, thể hiện sự đồng lòng của bà con không còn tin vào các thầy cúng, mong cán bộ về cứu dân. Xã Đông Cửu lại có văn bản lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh nhờ cơ quan Trung ương, bởi họ cũng chẳng biết cứu cách nào! Hai năm sau, cuối 2006, đoàn khảo sát Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đến Dấu Cỏ đo đạc, kiểm tra thực địa.

Họ phân tích hiện trạng, kết luận dưới lòng đất chứa mỏ urani thiên tạo, nguyên tố nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân. Môi trường và con người ở bản bị nhiễm phóng xạ gấp ba lần mức cho phép.

Sau bận ấy, ông Chiêu lên xã họp, nghe cán bộ nói, làng ông đang sống trên cái mỏ quý hiếm, còn hơn cả vàng bạc, nhưng phải rời đi nơi khác. Rồi ông về nói với đồng bào Dao, và họ đợi chính quyền tìm chỗ ở mới! Tối đến, bên bếp lửa, những người già mơ hồ nhớ, đầu năm 1980, có đoàn chuyên gia Nga từng đến đây, mặc đồ bảo hộ kín mít, trông rất kỳ quái, đào bới, lấy đất mang đi, chắc để nghiên cứu, vậy mà họ chẳng cho dân tình biết!

Rồi 5 năm, 10 năm trôi qua, niềm tin dần ăn mòn trí nghĩ người dân Dấu Cỏ. Họ vẫn sống nơi chân núi, và cơ man nấm mộ cứ lan rộng dọc sườn đồi. Họ không rõ phóng xạ là gì, quý hiếm ra sao, họ chỉ biết đó là lò thuốc độc, cầu Chúa ban phước lành để có thể sống chung với tử thần.

...Chiều. Mưa lắc rắc, phủ lên từng phiến núi tím thẫm, đổ bóng hoang tàn xuống đồng bằng rải rác ao hồ. Phía sau các căn nhà gỗ, biết bao thân phận phụ nữ dân tộc Dao, cả đời chỉ mong một lần sinh nở như mọi con người. Cái ánh mắt thảng thốt, đau đáu của chị Hồng cứ nhòa dần trong hoàng hôn thê thiết ấy. Người con gái tận Kim Thượng lên làm dâu Đông Cửu đó kể với tôi rằng, chị từng mang cái thai chết lưu vượt hàng trăm cây số, nhưng chỉ khi đến Bệnh viện TP Việt Trì, chị mới biết điều đó.

Trưởng bản Lê Văn Chiêu (bên trái) trao đổi với tác giả.
 Trưởng bản Lê Văn Chiêu (bên trái) trao đổi với tác giả.

Khắc khoải con đường an lạc

Gần sáu thập kỷ trôi qua, đời người Dấu Cỏ luôn khắc khoải mong một chốn bình yên. Dẫu rằng, cái góc xa xôi nhất của rừng rú Thanh Sơn ấy, đã được chính quyền tỉnh Phú Thọ để tâm, để tâm tới mức tưởng như kiệt trí và kiệt lực, nhưng con đường an lạc với họ vẫn mịt mùng.

Nếu ai đó hỏi tôi, đến đâu để nghiên cứu về phơi nhiễm phóng xạ, về dư chấn xã hội từ hệ lụy nguyên tố hạt nhân, thì chắc chắn, phải đau đáu bi thương mà nói, Dấu Cỏ là một phòng thí nghiệm.

Từ dạo biết mình sống trên lò phóng xạ, đời người Dấu Cỏ trở thành cái vòng luẩn quẩn. Không còn như nửa thế kỷ trước, thời du mục kiểu Đam San của ông cha, muốn di cư đến đâu là đi. Và 5 năm trời sau lá đơn mòn mỏi, những tưởng họ cũng nhìn thấy một chốn “an cư”.

Giữa năm 2010, UBND tỉnh Phú Thọ quyết định rót 25 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư. Theo đó, công trình triển khai trong hai năm, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Dự án thực hiện trên tổng diện tích gần 65.000 m2, gồm các hạng mục đường giao thông, hệ thống thoát nước, cấp điện với trạm biến áp 100KVA...

Đồng bào Dao đến ngắm, lần đầu trong đời họ nhấm nháp cảm giác hạnh phúc, ai nấy mắt ngân ngấn nước. Rồi cũng đến ngày, họ được thông báo có thể dọn về. Khổ nỗi, nơi ở mới không có nhà, họ phải mang… nhà cũ đến. Chính quyền chưa tính giúp bà con cái chuyện, nhà cũ họ vẫn chui ra chui vào mấy chục năm nay, để nguyên còn gọi là nhà, chứ dỡ ra chỉ còn đống củi mục. Đành vậy, người Dấu Cỏ lại về nơi cũ. Thi thoảng, có việc đi qua cái công trình 25 tỷ đồng, họ ngậm ngùi nhìn cỏ hoang mọc um tùm.

…Gần sáu năm nữa lại trôi qua! Người dân Dấu Cỏ không còn kêu cứu nữa. Họ cam chịu vá víu đời mình với nỗi đau, tựa định mệnh mà Chúa buộc họ phải vượt qua trước khi lên thiên đàng. Dường như từng ấy thời gian, cơ quan thẩm quyền các cấp cũng nhận ra, không thể vùi chôn 25 tỷ đồng, nên phê duyệt thêm kinh phí “hỗ trợ chuyển nhà” và cấp nước sinh hoạt.

Bởi khu định cư lúc đó chỉ làm cống thoát nước, còn lấy nước từ đâu đã có… các dòng suối. Dù “cái gì cũng thiếu”, trưởng bản Chiêu bảo thế, nhưng “đời mình bỏ rồi, vẫn còn đời con đời cháu nữa”! Về chỗ ở mới, dân làng lại thông tỏ, còn thiếu điều quan trọng nhất, đó là làm gì để sống!?

“Di chuyển đồng bào ra khỏi vùng nguy hiểm là mục tiêu cốt yếu, nhưng để bảo đảm cho họ cuộc sống ổn định, thoát nghèo thì cần thay đổi tập quán canh tác, nhận thức về sản xuất. Trước mắt, chưa có biện pháp khả thi hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề”, Phó Chủ tịch xã Phan Huy Biên trăn trở.

…Từ nơi ở mới về nơi ở cũ ngót năm cây số đường núi. Sáng nào bà con Dấu Cỏ cũng cuốc bộ lên đó. Đất vườn khu định cư chỉ đủ trồng vài thứ rau tạp, nên dẫu rằng, cái vùng trũng trên miền chót vót ấy có nhiễm độc đến mức nào, thì gần trăm nhân khẩu vẫn phải trông chờ từ đồng ruộng và hợp đồng khoán bảo vệ rừng.

“Trẻ con không cho phép bén mảng tới nữa, nhưng người lớn phải vào mà làm ăn, đằng nào cũng bệnh tật rồi. Ban đầu còn chịu khó đi lại trong ngày, dần người ta dựng lều ở luôn, trông coi cho tiện, thi thoảng mới “về thăm nhà”. Tôi nghĩ, để sinh kế lâu dài, người Dao có thể trồng cỏ nuôi bò thương phẩm, mô hình không tốn diện tích… Vấn đề nan giải là khâu tư vấn, lấy vốn ở đâu?”, ông Chiêu trầm ngâm.

…Sau lưng dốc, chỉ còn loáng thoáng vài đứa trẻ chăm sóc mấy luống rau. Bố mẹ chúng đã vào rừng. Có đứa bập bẹ nói với tôi, anh con ngủ cùng cả đêm, sáng ra, bị mang lên đồi liền. Ánh mắt nó dại đi, nó đâu biết, ở xóm nó, nấm mồ trẻ em nhiều hơn người lớn. Phải đợi nó trưởng thành, không chí ít qua tuổi 13, để hiểu được điều đó, và khi thấm thía nỗi đau sẽ ám ảnh suốt đời ấy, nó cũng còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ trong làng rồi!

Về nơi ở mới, người Dấu Cỏ chưa thể an cư.
 Về nơi ở mới, người Dấu Cỏ chưa thể an cư.
Gần 60 năm sống trên lò phóng xạ, người Dấu Cỏ đã chật vật về được nơi ở mới. Số nhân khẩu của làng cũng tăng lên, nhưng bệnh tật, chết chóc chưa thôi ngừng, khi con đường “lạc nghiệp” vẫn còn xa vời vợi. Những ngôi nhà gỗ thơm mùi sơn mới, chẳng thể là gốc rễ giúp họ an cư, khi họ còn ăn cơm trên đồng ruộng cũ, hít thở căng phồng lồng ngực thứ không khí ông cha họ đã tìm ra. “Trên cơ sở khảo sát hàm lượng nhân tố trong thực vật, nước, tính liều hiệu dụng qua đường hô hấp, tiêu hóa, xác định 5 hộ dân có suất liều gamma tại nhà lớn hơn 0,6µSv/h; 16 hộ chịu mức 5,03 - 18,63mSv/năm”. Ấy là thông tin cuối cùng lãnh đạo xã Đông Cửu nói với tôi trong lần về Thanh Sơn này.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ