Điện mặt trời có là giải pháp cứu cánh cho thủy điện?

GD&TĐ - Chưa bao giờ, thủy điện lại gây nên những cuộc tranh cãi nảy lửa khắp mọi diễn đàn những ngày vừa qua. Lũ chồng lũ có phải do thủy điện? Liệu điện mặt trời có là cứu cánh cho thủy điện?

Trang trại điện gió và điện mặt trời. Ảnh: Thiên Kim
Trang trại điện gió và điện mặt trời. Ảnh: Thiên Kim

Được và mất của thủy điện

Theo đánh giá chung, thủy điện được xem là nguồn năng lượng sạch đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy, trong khi chưa tìm ra các nguồn năng lượng khác sạch hơn, an toàn hơn, kinh tế hơn, thủy điện được khuyến khích phát triển mạnh mẽ khắp nơi.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay cả nước có 431 nhà máy thủy điện đã vận hành khai thác với tổng công suất 19.720,6 MW. Các nhà máy này đóng góp khoảng 37% điện lượng trong hệ thống điện quốc gia. Có 173 dự án thủy điện, tổng công suất 3.135,5 MW đang thi công xây dựng. Đồng thời có 302 dự án thủy điện (4.670,9 MW) đang được nghiên cứu để xem xét đầu tư xây dựng. Có 103 dự án (986 MW) đã quy hoạch và đang xem xét chủ trương đầu tư.

Thống kê trên cho thấy, thủy điện vẫn là lĩnh vực tiếp tục được đầu tư xây dựng với số lượng không hề nhỏ.

Đánh giá của Cục điện lực và năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho thấy, suất đầu tư của thủy điện từ 25 - 40 tỷ đồng/MW. Suất đầu tư điện mặt trời mặt đất khoảng từ 0,7 - 01 triệu USD/MWp. Suất đầu tư điện gió trên bờ khoảng từ 1,3 - 1,5 triệu USD/MW. Suất đầu tư nhiệt điện than vào khoảng 35 - 40 tỷ đồng/MW.  

Trong khi đó, giá bình quân của thủy điện rẻ nhất trong các loại hình nguồn điện, khoảng 1000 đồng/kWh. Giá thành của nhiệt điện than hiện nay khoảng 7 - 8 US Cents/kWh. Giá bán điện mặt trời tương đương 7,09 UScent/kWh đến 9,35 UScent/kWh (tùy theo từng dự án). Giá bán điện gió trên bờ tương đương với 8,5 UScent/kWh, điện gió ngoài khơi tương đương 9,8 UScent/kWh. Riêng với điện gió và điện mặt trời đang thực hiện ưu đãi theo giá FIT, lộ trình dài nhất đến năm 2021.

Thủy điện Sông Ba Hạ đang tiến hành xả lũ. Ảnh: VGP
Thủy điện Sông Ba Hạ đang tiến hành xả lũ. Ảnh: VGP

Tuy được đánh giá là sạch, đem lại lợi ích kinh tế nhưng thủy điện nhỏ hiện nay để lại không ít tai tiếng khó thanh minh: phá rừng, xả lũ, hạn hán, nguy cơ đứt gãy tầng địa chất. Điển hình nhất là qua trận mưa lũ vừa qua tại miền Trung.

Đánh giá về hiệu quả của thủy điện, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho biết:  Chỉ có thủy điện lớn mới có hiệu quả cắt lũ, chống hạn, còn thủy điện nhỏ nguy cơ về môi trường, phá rừng, xả lũ. Ông cũng nêu quan điểm, không nên phát triển thủy điện nhỏ.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay 1MW thủy điện nhỏ chiếm dụng khoảng 1,9 ha đất các loại (sông, suối, rừng…). Trước kia là 5 - 7 ha.

Điện mặt trời đang ở đâu?

Năng lượng tái tạo (NLTT), trong đó có điện mặt trời được các chuyên gia đánh giá là nguồn điện tái tạo sạch hơn các nguồn điện truyền thống khác. Đến nay, đã có 136 dự án điện mặt trời được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 13.617 MWp (tương đương khoảng 10.856 MW).

Điện mặt trời còn có ưu thế suất đầu tư thấp (điện mặt trời mặt đất khoảng từ 0,7 - 01 triệu USD/MWp), thời gian thi công nhanh hơn các loại hình nguồn điện khác.

Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018, mới thật sự là cú huých cho điện mặt trời phát triển ồ ạt hàng loạt. Sự phát triển ồ ạt đó không đồng bộ với sự phát triển của lưới điện truyền tải đã gây ra sự cố cho điện mặt trời nói riêng và NLTT nói chung.

Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền có công suất 35 MW đã chính thức hòa điện lên lưới từ ngày 25/9/2018. Ảnh: theo Báo Đầu tư
Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền có công suất 35 MW đã chính thức hòa điện lên lưới từ ngày 25/9/2018.  Ảnh: theo Báo Đầu tư

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy cho biết: 

“Trong thời gian qua, các dự án NLTT được tập trung phát triển tại các khu vực có tiềm năng lớn (các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận) dẫn đến quá tải một số đường dây và trạm biến áp 110kV, 220kV. Việc mất đồng bộ giữa phát triển nguồn NLTT vừa qua đã gây ra các điểm "nghẽn" về truyền tải, phải giảm phát tới 30 - 40%, thậm chí có dự án phải giảm hơn 60% công suất. Điều này làm giảm khả năng hỗ trợ cung cấp điện từ các nguồn NLTT trong khi đang thiếu nguồn ở khu vực phía Nam, phải tăng cường huy động từ phía Bắc; đồng thời gây thiệt hại cho nhà đầu tư khi không huy động hết khả năng nguồn”.

Theo Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ NLTT từ 11.2% hiện nay, nâng lên 30 - 40% tổng điện năng sản xuất toàn quốc. Đây là sự mở đường cho NLTT phát triển.

Được biết, hiện nay Bộ Công Thương đang xây dựng Quy hoạch điện VIII theo mục tiêu đề ra của Nghị quyết 55. Trong đó, ưu tiên phát triển NLTT. Hiện nay đã hoàn thành Dự thảo lần 1.

Theo đó, đến năm 2030, tức là 10 năm nữa, tỷ lệ NLTT, trong đó có điện mặt trời nâng lên 30% tổng điện năng sản xuất toàn quốc. Đây là con số lạc quan. Bởi lẽ, mới phát triển sau 2 năm ban hành Quyết định số 11 và số 39, điện mặt trời đã gặp sự cố như nêu trên cùng nhiều những vấn đề vướng mắc khác về giá, thể chế, chính sách, quy hoạch… Nói như ông Nguyễn Tiến Thỏa, năm 2030 NLTT chưa thể thay thế các nguồn năng lượng khác, mà chỉ có thể thay đổi cơ cấu về điện.

Mặt khác, vấn đề rác thải từ tấm pin mặt trời sau khoảng 20 năm nữa vẫn chưa có phương án xử lý để điện mặt trời thật sự là sạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ