Đề xuất lập 34 trạm thu phí ôtô vào trung tâm TPHCM: Không phù hợp?

Sơ đồ vành đai thu phí khi ôtô đi vào khu vực trung tâm TPHCM. Ảnh TTO
Sơ đồ vành đai thu phí khi ôtô đi vào khu vực trung tâm TPHCM. Ảnh TTO

TS Trương Hoàng Trương - Trưởng Bộ môn Quy hoạch Kinh tế - Xã hội đô thị, Khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TPHCM, đã có những chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại:

TS Trương Hoàng Trương

- Vấn đề trên được Sở GTVT TPHCM đề xuất tôi thấy không phù hợp với mục tiêu mà đề án này đưa ra là giảm ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm thành phố, thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ, phát triển giao thông công cộng. 

Thực tế bài toán đề xuất xây 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm với các mục tiêu trên đưa ra cho TP quá nhiều bài toán để giải quyết sau đó. Trong khi các đề bài như phát triển giao thông công cộng, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng được triển khai thời gian qua chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Còn việc xây dựng trạm thu phí để bổ sung nguồn ngân sách đường bộ thì càng không hợp lý vì bản thân xe ô tô cũng đã đóng một khoản phí bảo trì đường bộ, rồi thuế môi trường… 

- Ở góc độ là một người dân ở TP, ông đón nhận đề xuất này ra sao?

TS Trương Hoàng Trương: Ở góc độ người dân TP, tôi thấy đề xuất này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và phải có lộ trình thực hiện để người dân nắm và hiểu rõ. Việc thiết lập 34 trạm thu phí bao quanh khu vực trung tâm TP sẽ làm cho thành phố trở nên chật chội, bức bách, mất mỹ quan với 34 trạm thu phí bủa vây mà các con đường nội đô của thành phố vốn dĩ đã nhỏ hẹp nay lại càng thấy nhỏ hơn.

Ở góc độ khác, việc thành phố bỏ ra một nguồn kinh phí lớn để thiết lập trạm thu phí với hi vọng người đi ô tô sẽ giảm việc đi vào trung tâm và có một khoản phí khác để đầu tư…. Việc chúng ta bỏ tiền đầu tư rồi đi thu lại trong khi người ta vẫn chấp nhận đi vì đó là một lựa chọn gần như không có lựa chọn thay thế khác. Liệu hướng giải quyết này có hợp lý. 

- Theo ông, việc thiết lập 34 trạm thu phí như vậy liệu có giảm tình trạng kẹt xe hay không?

TS Trương Hoàng Trương: Dĩ nhiên, khi đề xuất phương án này phía Sở GTVT TPHCM và đơn vị tư vấn thực hiện cũng đã nghiên cứu đến vấn đề giảm tải tình trạng kẹt xe vì đây là vấn đề chính mà đề xuất hướng tới. Tuy nhiên, tôi thấy người đi ô tô có nhu cầu đi vào khu vực trung tâm thành phố thì ít nhiều cũng có điều kiện nên công việc quan trọng hơn thì dù trả thêm một khoản phí họ cũng phải đi – có nghĩa là họ chấp nhận trả tiền để đi vào trung tâm.

Hơn nữa, việc thiết lập 34 trạm thu phí sẽ chính là điểm kẹt do các phương tiện lưu thông ùn ứ vì các tuyến đường này không chỉ có xe ô tô lưu thông mà còn có cả xe máy và nhiều phương tiện khác nữa. Mặc khác, còn một kịch bản khác có thể xảy ra là kẹt xe ở những trục giao thông để “né trạm thu phí” những khu vực đó là vùng ngoài khu vực thiết lập hệ thống thu phí. Mà giả sử đi từ quận 7 ra sân bay Tân Sơn Nhất né trạm thu phí thì đành phải chạy vòng qua Nguyễn Tri Phương hoặc về hướng quận 2, Bình Thạnh – Gò Vấp…

- Ngoài giải pháp này, ông có đề xuất nào hiến kế cho TP để giảm lưu lượng xe ô tô?

TS Trương Hoàng Trương: Tại trung tâm đô thị, việc tập trung các trung tâm thương mại lớn, cao ốc văn phòng, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch… đây là nguyên nhân dẫn đến các trung tâm bị quá tải.   

Xét góc độ hạ tầng kỹ thuật thì đô thị cần phải có hệ thống vận tải công cộng liên hoàn, đảm bảo tính kết nối hiệu quả từ xe bus, xe điện mặt đất trạm way đến metro… và đảm bảo tính kết nối các vùng các khu vực trong một đô thị. Nếu người dân đi vào thành phố thấy sự tiện lợi, an toàn thì sẽ ưu tiên lựa chọn các phương tiện này thay cho xe ô tô hay xe cá nhân. Khi thành phố có sự hoàn chỉnh về hạ tầng như trên thì việc thiết lập các trạm thu phí không có ý nghĩa.

Cách thức mà các thành phố trên thế giới áp dụng rất đơn giản là nếu anh vào trung tâm thành phố thì tiền tính phí (thay cho phí đóng ở trạm) chủ yếu là phí gửi xe vì phí gửi xe ở khu vực trung tâm thành phố được tính bằng giờ và đôi khi tìm một chỗ đậu xe là rất khó. Do đó, người sử dụng xe ô tô phải tính toán làm thế nào đỗ xe ở khu vực trung tâm là ít tốn thời gian nhất. Người sử dụng ô tô sẽ xem xét và cân nhắc khi vào trung tâm thành phố bằng ô tô hay bằng phương tiện công cộng. 

Cần phải ưu tiên trong phát triển giao thông công cộng, hệ thống bãi đỗ xe phù hợp chứ kẹt đâu “xử” đó thì người dân không biết đi bằng gì! Kẹt xe khu vực trung tâm thành phố hiện nay do nhiều nguyên nhân khác như quy hoạch đô thị, đường sá, tập trung dân cư và nhất là lấn chiếm lòng lề đường, buôn bán vỉa hè… 

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...