Dạy nghề dệt thổ cẩm tạo thêm sinh kế cho phụ nữ DTTS

GD&TĐ - Tỉnh Đăk Nông có 40 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có trang phục truyền thống đặc trưng riêng tạo nên bức tranh văn hóa thổ cẩm phong phú, nhiều màu sắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới nghề dệt thổ cẩm mai một dần. 

Nghề dệt thổ cẩm tạo việc làm thêm, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS.
Nghề dệt thổ cẩm tạo việc làm thêm, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS.

Để khôi phục nghề dệt, tạo sinh kế có thêm thu nhập cho bà con, những năm qua các cấp ngành tỉnh Đăk Nông mở nhiều lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại các bon, buôn và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Những năm gần đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Nông phối hợp với các tổ chức đoàn thể, địa phương tổ chức dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào DTTS tại chỗ các bon, buôn trong tỉnh.

Không chỉ mở các lớp dạy dệt thổ cẩm để bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS, thời gian qua, tỉnh Đăk Nông đã tìm nhiều giải pháp giúp bà con có thêm thu nhập, sống được với nghề như cải tiến khung dệt, tập huấn chuyển giao ứng dụng kỹ thuật dệt mới cho các nghệ nhân và đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Bon Jăng Plây 3, xã Trường Xuân, huyện Đăk Song chủ yếu đồng bào M’Nông sinh sống. Do tác động cuộc sống hiện đại, nghề dệt thổ cẩm mai một nhiều, trong bon chỉ còn vài người già biết dệt. Nhờ tham gia lớp dạy thổ cẩm mà nay nhiều phụ nữ bon Jăng Plây 3 biết dệt và còn kiếm thêm thu nhập nhờ nghề dệt. Bà H’Đin, Chi hội phó Chi hội phụ nữ bon Jăng Plây 3 chia sẻ: Kể từ khi được dạy nghề, bon tập hợp được hơn 30 người tham gia dệt thổ cẩm bán ra thị trường. Được dạy nghề và bà con linh hoạt hơn trong việc sáng tạo họa tiết, hoa văn, tạo ra các sản phẩm hợp xu thế nên thổ cẩm bon Jăng Plây 3 đã được nhiều người biết đến, góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, để phát triển nghề dệt thổ cẩm lâu dài cần  mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm tư vấn, hỗ trợ dạy nghề đã đến xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa tổ chức 4 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con. Hiện nay, trên địa bàn xã có cả 100 người biết dệt thổ cẩm và đã thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm truyền thống. Bà H’Bình Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm truyền thống xã Đăk Nia cho biết: Mỗi khi lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, tôi thường được mời truyền nghề cho bà con. Nhưng việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn nên chúng tôi rất cần các cấp, các ngành, địa phương cần có sự liên hệ, liên kết giúp bà con tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm tốt hơn thì mới giúp bà con tăng thêm thu nhập. 

Cuối năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đăk Nông đã tổ chức lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng công nghệ dệt thổ cẩm cho 28 nghệ nhân là đồng bào dân tộc Ê-đê, Mạ, M’Nông, Dao đến từ các địa phương trong tỉnh. Lớp tập huấn được coi là hướng đi mới cho sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng công nghệ dệt thổ cẩm mới sẽ giúp đồng bào rút ngắn thời gian, chi phí, nguyên liệu cũng như sản phẩm thổ cẩm ngày càng phù hợp với nhu cầu thị hiếu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa và chính quyền thì việc ứng dụng chất liệu thổ cẩm trong may mặc, thời trang kết hợp giữa thủ công, truyền thống với công nghệ hiện đại và phục vụ du lịch sẽ tạo cơ hội để sản phẩm thổ cẩm cso chỗ đứng trên thị trường.

Nghệ nhân H’rui ở xã Tâm Thắng, Cư Jút cho biết: Trước giờ chúng tôi dệt thổ cẩm chỉ bằng một khung cửi, hoàn thiện sản phẩm thổ cẩm mất 1 tuần đến 1 tháng. Từ khi được hướng dẫn áp dụng khung dệt cải tiến thì các công đoạn quay chỉ, móc, dệt, tạo hoa văn được thực hiện rất nhanh. Với khung dệt và kỹ thuật mới, nghệ nhân chúng tôi dệt nhanh hơn. Ngày trước dệt một tấm vải mất 2 tuần thì nay chỉ mất vài ngày.

Không chỉ được trang bị công nghệ dệt thổ cẩm mới, các nghệ nhân còn được hướng dẫn thiết kế và may các sản phẩm cách tân từ sản phẩm thổ cẩm. Các sản phẩm cách tân thường là sự kết hợp hài hòa giữa những loại vải trên thị trường với các hoa văn, đường nét hay điểm nhấn bằng thổ cẩm phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật dệt mới được đánh giá là hướng đi để sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc trên địa bàn tỉnh dần phù hợp với nhu cầu thị hiếu cũng như mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức dạy nghề dệt thổ cẩm đã góp phần không nhỏ trong việc giúp đồng bào nâng cao tay nghề, ứng dụng vào sản xuất, có thêm việc làm giữ gìn nghề truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ