Đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong trường học

GD&TĐ - Nhằm đẩy mạnh truyền thông chương trình sử dụng điện an toàn, hiệu quả tới học sinh, ngày 30/8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi làm việc với Bộ GD&ĐT về tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hệ thống trường học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cùng đại diện các đơn vị của Bộ GD&ĐT và EVN.

Những năm gần đây, nhu cầu dùng điện ngày một tăng cao, đạt 12 - 14%/năm. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 7/8/2017 về việc tăng cường tiết kiệm điện. Việc đẩy mạnh tuyên truyền tới học sinh về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả là hoạt động thiết thực trong việc giáo dục ý thức của trẻ khi sử dụng điện.

Theo đề xuất của EVN, hiện các nội dung đào tạo về bảo vệ môi trường, tiết kiệm nói chung và tiết kiệm điện nói riêng được đưa vào sách giáo khoa như Giáo dục công dân, Khoa học, Vật lý, Công nghệ... Tuy nhiên, các nội dung đào tạo trong chương trình SGK hiện nay mới nêu một cách rất cơ bản nguyên lý hoạt động của các dạng năng lượng, các nội dung đào tạo chưa xuyên suốt...

Cần đưa giáo dục về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nói chung, sử dụng điện an toàn và hiệu quả nói riêng vào hệ thống giáo dục các cấp (từ mẫu giáo tới đại học). Tuỳ theo lứa tuổi/lớp/cấp học để lựa chọn đào tạo những nội dung phù hợp.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao kết quả phối hợp giữa Tập đoàn EVN với Bộ GD&ĐT trong thời gian qua. Từ năm 2004, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với EVN xây dựng được nhiều văn bản chỉ đạo cấp cơ sở từ mầm non, tiểu học đến các trường trung học trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ GD&ĐT rất ủng hộ chủ trương này của EVN, bởi tiết kiệm điện là chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa các nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vào hệ thống giáo dục quốc dân”.

Thứ trưởng cho biết, hiện Bộ GD&ĐT chuẩn bị ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình mới sẽ giao quyền chủ động cho các nhà trường. Vì vậy chương trình sẽ là pháp lệnh, sách giáo khoa là tùy chọn theo các nhà trường. Chúng ta có thể tích hợp để lồng ghép chủ trương sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm đưa vào chương trình môn học, tuỳ thuộc vào thực tiễn của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ