Đẩy mạnh các giải pháp an sinh xã hội, tiếp đà đổi mới giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Tập trung đẩy mạnh các giải pháp an sinh, tiếp đà đổi mới giáo dục nghề nghiệp là những nội dung quan trọng tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Ngày 11/1, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021,  Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tại điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu trong cả nước.

Hội nghị tập trung đánh giá các kết quả đạt được trong năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, phân tích những tồn tại hạn chế, làm rõ những nguyên nhân và bàn giải pháp kế hoạch thực hiện trong giai đoạn tới.

Trong 5 năm qua với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả”, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã không ngừng nỗ lực tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cho các cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ, toàn diện các chính sách an sinh xã hội, qua đó trên các lĩnh vực của Ngành đều chuyển biến tích cực.

Một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc, đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng; mức thụ hưởng chính sách an sinh xã hội không ngừng được nâng cao.

Đến nay, 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú; cơ bản không còn hộ người có công trong hộ nghèo; 3% dân số Việt Nam và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp thường xuyên; người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm, trợ giúp theo quy định.

Trong 5 năm qua cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động; hơn 635 nghìn người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng,  vượt tới 27% chỉ tiêu. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến 31/12 vừa qua có khoảng 79 nghìn người đi lao động ở nước ngoài); chuyển dịch lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế...
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế... 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn cần tiếp tục được nghiên cứu và bàn các giải pháp khắc phục, trong đó độ bao phủ an sinh xã hội còn thấp, nhất là bao phủ bảo hiểm xã hội đối với người già, người lao động khu vực nông nghiệp, phi chính thức.

Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Chênh lệch giàu nghèo, mức hưởng thụ cao làm giảm hiệu quả giảm nghèo và triển vọng tăng trưởng. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao; việc làm chưa thực sự bền vững. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, phụ nữ diễn biến phức tạp, một số tệ nạn xã hội gây bức xúc xã hội…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2015 - 2020 và đặc biệt năm 2020 với ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ bất thường, trong khi nhiều nước trong khu vực và thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam tự hào vì đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế; an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả ấn tượng; uy tín, vị thế của Việt Nam được nâng lên.

Triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Chính phủ và các địa phương trong đại dịch Covid-19 đã hỗ trợ 31,5 nghìn tỷ đồng đảm bảo đời sống và hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, trong đó ngân sách nhà nước chi trực tiếp 12,9 nghìn tỷ đồng cho trên 13 triệu người dân bị ảnh hưởng, qua đó góp phần quan trọng ổn định đời sống Nhân dân, tạo công ăn, việc làm cho người lao động, giúp ổn định tình hình lao động. Đến nay, tình hình lao động, việc làm cơ bản trở lại trong trạng thái bình thường.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương

Giai đoạn 2021 – 2025 ngành sẽ tập trung vào các giải pháp như: Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển nhanh, bền vững và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, đáp ứng nhu cầu về cơ bản và cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Phát biểu tại hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: Vai trò của Bộ LĐ-TB&XH là điều phối không chỉ giữa các cơ quan nhà nước, mà còn kết nối các đoàn thể trong hệ thống chính trị để tạo thành mạng lưới, huy động  sức mạnh toàn dân cùng với nhà nước để thành quả phát triển đến được với mọi người dân

Những kết quả đạt được của ngành lao động rất đáng tự hào, rất đáng khích lệ, nhưng cần nhìn vào những việc chưa làm được, tìm ra những điểm cụ thể để tập trung giải pháp mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực an sinh, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng,…

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý về phát triển kỹ năng nghề thông qua giáo dục nghề nghiệp. Chỉ số đánh giá kỹ năng nghề của Việt Nam trong những năm qua đã tăng nhanh, giáo dục nghề nghiệp vừa qua đã có những tiến bộ đáng ghi nhận, thứ hạng quốc tế về giáo dục nghề nghiệp đã tăng 13 bậc, nhưng trong năm nay cần phải tiếp tục đà đổi mới giáo dục nghề nghiệp.

Trong giai đoạn tới, đặt mục tiêu phấn đấu “đuổi kịp đại học” thứ hạng quốc tế, mục tiêu này là một việc rất khó bởi tâm lý xã hội vẫn còn nặng nề về học nghề, đòi hỏi sự quyết tâm lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc và thực hiện các chính sách. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.