Đào tạo nghề cho LĐNT, hiệu quả từ hệ thống chính sách

GD&TĐ - Trong hơn 10 năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).

Từ đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", đã có nhiều người khuyết tật được tiếp cận nghề nghiệp và việc làm
Từ đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", đã có nhiều người khuyết tật được tiếp cận nghề nghiệp và việc làm

Mở rộng cơ hội tiếp cận đào tạo nghề

Hệ thống văn bản pháp luật triển khai đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được ban hành đồng bộ, đầy đủ, đã tạo hành lang pháp lý cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt.

Tăng cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo nghề nghiệp cho mọi đối tượng lao động, đặc biệt là lao động trung tuổi, người thất nghiệp, lao động trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp,…

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ NN&PTNT hướng dẫn cụ thể các nội dung, chỉ tiêu liên quan đến đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng.

Hàng năm có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai các chỉ tiêu nhiệm vụ về nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT.

Hệ thống văn bản tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương mở rộng tuyển sinh, tổ chức đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng theo hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.

Triển khai các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 1/7/2015, Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho LĐNT, phụ nữ, đồng bào dân tộc, người khuyết tật, người có công, hộ nghèo, gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động mất việc làm, ngư dân, định kỳ báo cáo việc thực hiện chính sách hỗ trợ này.

Bên cạnh đó, thực hiện các quyết định liên quan trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn thực hiện kinh phí hàng năm,…

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đồng thời phối hợp với các Hiệp hội, tập đoàn, triển khai đào tạo nghề, kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp cho LĐNT, đào tạo nghề cho người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác.

Phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tổ chức nhân rộng các mô hình đào tạo nghề cho LĐNT gắn với du lịch, thí điểm các mô hình đào tạo thích ứng theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đào tạo chuyển đổi nghề cho các đối tượng lao động khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.

9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề

Sau hơn 10 năm thực hiện đề án, đã có 9,6 triệu LĐNT được học nghề, trong đó trên 80% lao động có việc làm sau đào tạo, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% năm 2010 lên 65% năm 2020.

Quan trọng hơn, tác động của đề án đã thay đổi tích cực nhận thức của các cấp các ngành và người lao động về đào tạo nghề, góp phần quan trọng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Các văn bản của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn địa phương, cơ sở tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT.

Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, định hướng đào tạo các nghề kỹ thuật công nghệ, công nghiệp, xây dựng. Sau đào tạo nghề, các học viên có thể làm việc trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, các dự án đầu tư lớn tại địa phương, hoặc có thể đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung đào tạo nghề cho lao động làm việc tại các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đào tạo theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch, hữu cơ, tiến tới nông nghiệp thông minh hiện đại.

Các sản phẩm định hướng bao gồm sản phẩm nông sản quốc gia, nông sản cấp tỉnh và đặc sản địa phương.

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai đề án gặp một số tồn tại như hiệu quả còn chưa đồng đều giữa các vùng, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề chưa được phối hợp tốt giữa trung ương và một số địa phương, việc bố trí kinh phí gặp khó khăn,… Đây là những bất cập cần được rút kinh nghiệm và có giải pháp tháo gỡ trong giai đoạn tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.