Đại biểu Quốc hội chỉ ra 3 lãng phí trong đầu tư công

GD&TĐ - Theo đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), 3 năm triển khai thực hiện Luật Đầu tư công cho thấy một số lãng phí.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh)
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh)

Một là lãng phí tại khâu phê duyệt dự án. Tức là quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực địa phương, do quy trình quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định chủ trương không chặt chẽ dẫn đến dự án không hiệu quả hoặc đắp chiếu để đấy, không phát huy tác dụng, lãng phí phần vốn đã được đầu tư.

Hai là, lãng phí trong khâu bố trí vốn và thực hiện dự án. Bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện dự án hoặc dự án bị bỏ dở, lãng phí, cơ hội sớm hoàn thành dự án để phục vụ phát triển, lãng phí thời gian, lãng phí năng lực thi công của các nhà thầu.

Công tác quản lý giám sát công trình, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chủ quản, kiểm soát khối lượng thực hiện dự án còn lỏng lẻo. Thậm chí buông lỏng dẫn đến tình trạng vốn giải ngân cao hơn khối lượng thực tế hoàn thành. Báo cáo quyết toán giá trị không trung thực, gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

Ba là, lãng phí ngay từ khâu thiết kế, xây dựng chính sách chương trình. Đây được xem là lãng phí lớn nhất, có ảnh hưởng rộng nhất. Việc tham mưu, ban hành các chính sách không phù hợp với thực tiễn. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn dẫn tới việc thực hiện không hiệu quả, không đồng bộ, không có tác dụng kiến tạo phát triển, thậm chí còn cản trở sự phát triển.

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tiết kiệm nguồn lực, chống thất thoát lãng phí, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, giải pháp đầu tiên phải liên quan đến nguồn lực. Cụ thể, Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong đó, tập trung cơ cấu lại đầu tư công theo hướng cơ cấu lại tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước. Hàng năm tăng dần tiết kiệm từ ngân sách nhà nước cho đầu tư, tăng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước lên khoảng 30% tổng chi phí ngân sách nhà nước.

Thực hiện cải cách mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập, thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ công theo đúng lộ trình, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, nhằm thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước để phát triển các lĩnh vực sự nghiệp công, mở rộng các hình thức đầu tư để huy động các nguồn vốn từ khu vực tư, bao gồm cả nguồn vốn đầu tư của nước ngoài, đẩy mạnh việc triển khai và nâng cao hiệu quả hình thức đầu tư PPP.

Về kế hoạch đầu tư công, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế pháp luật về đầu tư công như Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn kèm theo… Đồng thời, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư công hiện hành, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Gắn với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công, trong đó đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong vùng bị ảnh hưởng của dự án, làm rõ trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư công, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công, xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng gây thất thoát, lãng phí.

Bên cạnh đó cần kiểm tra, rà soát, đánh giá năng lực chủ đầu tư, ban quản lý dự án để kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ công chức cho phù hợp với việc phân cấp trong đầu tư...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ