Đại biểu Quốc hội chất vấn Phó Thủ tướng về 100 năm sau của 3 đặc khu kinh tế

GD&TĐ - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội liên quan 3 đặc khu kinh tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - đoàn Thái Bình đặt câu hỏi: Sắp tới nếu được Quốc hội thông qua luật ba vùng kinh tế đặc biệt, Chính phủ có tiêu chí gì vượt trội về tuyển chọn cán bộ, đặc biệt chức danh Chủ tịch vùng?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đã nói đặc khu thì cái gì cũng phải đặc biệt, tính chất đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt chắc cán bộ cũng phải đặc biệt.

Vừa rồi trong dự thảo Luật Đặc khu đã quy định lựa chọn người đứng đầu là chủ tịch đặc khu rất quan trọng, do đó có quy trình rất chặt chẽ, theo hướng chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, Hội đồng nhân dân bầu, Thủ tướng phê chuẩn, chúng tôi nghĩ sẽ chọn được người có cả đức và tài để chèo lái 3 đặc khu này.

Liên quan đến 3 đặc khu kinh tế, Đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn TP Hà Nội chất vấn: "Với tầm nhìn của một giáo sư về kinh tế, của một Phó Thủ tướng Chính phủ và với Ủy viên Bộ Chính trị xin Phó Thủ tướng cho biết khái quát nếu triển khai thành công 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thì kinh tế - xã hội của các địa phương đó sẽ phát triển đến mức nào, đóng góp to lớn như thế nào cho nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thời xin Phó Thủ tướng phân tích mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế ở 3 đặc khu đó với sự ổn định về an ninh, quốc phòng và sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa".

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay: Trên thế giới, việc ra đời và thành lập các đặc khu tạo ra các nơi để thử nghiệm các thể chế và tạo ra cực tăng trưởng.

Đấy là nguyên tắc chung, dự luật này, hiện Quốc hội đang thảo luận, chúng ta tính toán một cách tổng thể lợi ích cả về kinh tế, thu hút đầu tư, quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và an ninh v.v... Quốc hội đang có thảo luận liên quan đến dự án luật này.

Trả lời câu hỏi khi có các đặc khu này thì các vùng khác sẽ như thế nào? Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là 2 đầu tàu và động lực của cả nước.

Dù có hay không có đặc khu này thì Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là 2 đầu tàu động lực, 7 vùng kinh tế trọng điểm của chúng ta, chúng ta vẫn phải tiếp tục tập trung cơ chế, chính sách để phát huy thế mạnh của các vùng này nhằm làm lan tỏa đến các địa phương và các vùng khác.

"Tôi nghĩ việc ra đời các đặc khu này không ảnh hưởng, tác động gì đến quan điểm cũng như phát triển của chúng ta, các nguồn lực của trung ương cũng như địa phương để tập trung cho 2 đầu tàu và 7 khu kinh tế trọng điểm này" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Sau phần trả lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn TP Hà Nội bấm nút tranh luận và bày tỏ không hài lòng về câu trả lời của Phó Thủ tướng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, đại biểu hỏi khác, không đề cập đến 7 vùng kinh tế hoặc các đầu tàu, ý đại biểu hỏi là: rồi đây Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc mà phát triển thì phát triển đến mức nào, kinh tế - xã hội như thế nào?

Đại biểu cũng đề nghị Phó Thủ tướng thông tin luôn, mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế của ba đặc khu đó với sự ổn định an ninh, quốc phòng và sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian.

Trước phần tranh luận của Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: Hiện nay chúng ta chưa thông qua Luật Đặc khu, còn đang bàn, do đó bây giờ để có những câu trả lời cho thật đầy đủ chắc phải có sự nghiên cứu cặn kẽ hơn. Phó Thủ tướng sẽ trả lời bằng văn bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ