Đại biểu băn khoăn việc tăng tổ chức trong bộ máy hành chính ở một số bộ ngành Trung ương

GD&TĐ - Tranh luận và trao đổi với đại biểu Nguyễn Thái Học và đại biểu Trương Trọng Nghĩa về vấn đề trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, khuyết điểm trong báo cáo của Đoàn giám sát, Đại biểu Mai Sỹ Diến – Đoàn Thanh Hoá – cho rằng, kiến nghị của Đoàn giám sát chưa nêu đầy đủ, thể hiện ở một số điểm như sau:

Đại biểu băn khoăn việc tăng tổ chức trong bộ máy hành chính ở một số bộ ngành Trung ương

Thứ nhất, qua báo cáo giám sát cho thấy giai đoạn 2011 - 2016 số lượng đầu mối đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, ở các địa phương tăng lên, trong đó việc tăng ở các cơ quan ngang bộ, cơ quan bộ 28 đơn vị, số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng đến 807 đơn vị.

Việc nâng cấp 30 vụ lên cục diễn ra nhanh ở một số bộ, tổ chức thêm 180 đơn vị cấp phòng trong cục, có đến 39 tổ chức hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của 12 bộ, cơ quan ngang bộ nhưng không được quy định trong nghị định của Chính phủ.

Việc tổ chức phòng tại các vụ, đơn vị thuộc bộ, ngành ở Trung ương đã không phù hợp với nguyên tắc vụ hoạt động theo chế độ chuyên viên.

Nhưng 5 năm qua ở các vụ đã tăng thêm 122 phòng, trong 5 năm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp bộ tăng 54 đơn vị, thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tăng 338 đơn vị, thuộc Ủy ban cấp huyện tăng 2.378 đơn vị.

Việc làm trên đã làm gia tăng thêm nhiều tổ chức của bộ máy, tăng biên chế, tăng chi phí hành chính trong khi chức năng, nhiệm vụ không có nhiều thay đổi.

Việc hình thành nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân trong bộ ngành, địa phương dẫn đến tình trạng tổ chức bộ máy hành chính trở nên cồng kềnh, số nhân lực cũng như kinh phí chi cho công tác quản lý và bộ máy gián tiếp tăng lên.

"Điều này tôi thấy băn khoăn bởi diễn ra ngay khi chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính tinh giản biên chế ban hành đang được tổ chức thực hiện trên địa bàn toàn quốc nhưng việc tăng tổ chức trong bộ máy hành chính diễn ra trong nhiều đơn vị, trong đó xảy ra ngay ở một số bộ ngành Trung ương"- Đại biểu Mai Sỹ Diến tranh luận.

Thứ hai, về sử dụng biên chế, báo cáo giám sát nêu đa số các bộ ngành, địa phương chấp hành tốt quy định của pháp luật, thực hiện quản lý và sử dụng đúng, thậm chí ít hơn biên chế được giao. Điều đó cho thấy tính đúng đắn của việc thực hiện tự chủ theo Nghị định 130 của Chính phủ.

Việc sử dụng không hết biên chế là cơ sở để nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức nhưng cũng cho thấy việc không sử dụng hết biên chế có nguyên nhân do chậm tổ chức thi tuyển công chức của các cơ quan chức năng, dẫn đến việc không ít cơ quan hành chính đang hợp đồng đến gần 145.000 lao động làm công tác chuyên môn là không đúng nghị định của Chính phủ. Báo cáo giám sát nêu rất rõ các đơn vị có số hợp đồng như thế này.

Thứ ba, việc tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ tại doanh nghiệp nhà nước lại được triển khai một cách vô cùng chậm chạp.

Với cách thức quản lý như hiện nay bộ chủ quản đang can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và trở thành một rào cản lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Hoạt động kiểm tra, giám sát của bộ với doanh nghiệp bị hạn chế, chậm phát hiện những sai phạm nghiêm trọng của một số doanh nghiệp, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nhà nước.

Điều đó cho thấy tính minh bạch, công khai trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước hiện nay đang có nhiều quan ngại như báo cáo nêu.

Thứ tư, tại điểm e khoản 2 Điều 16 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định "khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì đoàn giám sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật".

Tuy nhiên, trong báo cáo đoàn giám sát đã chỉ ra các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc thành lập mới hoặc thành lập các tổ chức không có trong nghị định, việc bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chí, đoàn đã yêu cầu phải thu hồi, hủy bỏ.

Nhưng việc tồn tại, hạn chế có cả dấu hiệu vi phạm trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính giai đoạn 2011-2016 đang là bức xúc trong xã hội, trong nhân dân, làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ về cải cách hành chính, tinh giản biên chế.

Việc xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có khuyết điểm vi phạm là cơ sở để thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và tinh giản biên chế trong thời gian tới.

Tuy nhiên, phần giải pháp, kiến nghị của đoàn giám sát chưa yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ