Đa số đại biểu Quốc hội không ủng hộ nâng tuổi hưu

Đa số đại biểu Quốc hội đề xuất nên giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như quy định hiện nay, không nên vì nguy cơ vỡ quỹ mà nâng tuổi lên và thay vào đó là tìm cách quản lý quỹ tốt hơn.

Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động nữ lên 60 và nam lên 62 không nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu quốc hội. Ảnh: Anh Quân.
Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động nữ lên 60 và nam lên 62 không nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu quốc hội. Ảnh: Anh Quân.

Thảo luận tại hội trường chiều 16/6, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị chưa thực hiện viêc nâng tuổi nghỉ hưu như dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mà chỉ nâng tuổi theo một số nhóm được quy định trong bộ luật Lao động.

“Vỡ quỹ bảo hiểm xã hội do nhiều nguyên nhân như: tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp; không thu được quỹ do tình trạng nợ đóng, trốn đóng; năng suất lao động thấp…, chứ không chỉ do tuổi lao động thấp. Không những thế, việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ làm tăng áp lực việc làm, giảm cơ hội phát triển với lao động trẻ”, đại biểu Ngân nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) cũng cho rằng, cứu vãn nguy cơ mất cân đối quỹ trong tương lai bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu là hạ sách, lợi bất cập hại. Hiện còn nhiều lao động thất nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ được đào tạo bài bản nhưng không có việc làm theo đúng chuyên ngành đào tạo, không có việc làm.

Đại biểu Y Khút Niê, Đắk Lắk cho biết, quy định nâng tuổi nghỉ hưu như dự thảo là trái với quy định của luật hiện hành. Khi người lao động nghỉ hưu theo quy định của bộ luật Lao động thì phải chờ 2 năm đối với nam và 5 năm đối với nữ mới được tuổi nghỉ hưu. Quy định như vậy không ai có thể chấp nhận được, vi phạm bộ luật lao động và quyền lợi của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Minh Phương, Cần Thơ đặt vấn đề: “Tuổi nghỉ hưu trước đó từng đưa ra thảo luận trước Quốc hội trong bộ luật Lao động vào năm 2012. 

Vậy ban soạn thảo đã có bằng chứng để chứng minh trong 2 năm qua và những năm tiếp theo các yếu tố về sức khỏe, thể chất, điều kiện môi trường làm việc của đa số người lao động đã được cải thiện hoàn toàn hay chưa mà đột ngột tăng tuổi nghỉ hưu”.

Theo ông, tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 nghĩa là nữ phải làm thêm 5 năm trong khi nam chỉ 2 năm. Đối với người lao động nữ ở tuổi 55 ở thành thị có thể dễ dàng có thu nhập, đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng với khu vực nông thôn, khu công nghiệp; ở tuổi này họ chỉ có thể ở nhà chăm sóc con cháu vì không đủ sức khỏe để tiêp tục công việc.

Vì thế, đại biểu kiến nghị cần giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như quy định hiện hành. Với nhóm chuyên môn trình độ cao, làm công tác quản lý… nên kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng không quá 5 năm.

Cũng tán thành với việc giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện hành, đại biểu tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Như cho rằng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong tờ trình là chưa thuyết phục. 

Ban soạn thảo chưa có khảo sát nào đối với lao động khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Hiện nay với hàng triệu lao động ở các ngành dệt may, giày da, thủy sản, cao su, công nhân vệ sinh thì trong 5-10 năm chưa thể đáp ứng nhu cầu tăng tuổi làm việc như đề nghị.

Vì thế, đại biểu đề nghị nên xem xét, tạm dừng phương án tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động trong khu vực này. Luật bảo hiểm xã hội chỉ bàn những điều kiện để nghỉ hưu chứ không bàn tuổi nghỉ hưu.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh, tỉnh Ninh Bình cho rằng cần dựa trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ và khoa học những thông số về tuổi thọ, tuổi sống khỏe mạnh, điều kiện lao động, năng suất, hưởng bảo hiểm xã hội… để tính toán tuổi nghỉ hưu một cách thuyết phục. Không nên chỉ lấy thông số về việc bảo toàn quỹ để lý giải cho việc tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian đóng.

Bên cạnh đó, nhiều địa biểu cũng bày tỏ băn khoăn về cách tính lương hưu mới. Theo đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu, nếu thay đổi cách tính lương hưu như dự thảo thì tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động sau điều chỉnh giảm so với hiện hành khoảng 10% với nam và 15% với nữ. 

Mặt khác, nếu như chưa thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo thì quy định này sẽ khó đạt được mức hưu tối đa là 75% làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.

Vì thế, đại biểu đề nghị nên giữ nguyên như quy định hiện hành hoặc tính toán lại sao cho phù hợp hơn.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ