Đà Nẵng: Khó đạt tiêu chí phân luồng sau THCS

GD&TĐ - UBND thành phố Đà Nẵng vừa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng mới Trường THPT Phước Lý với quy mô 30 lớp. Tuy nhiên, tại phiên làm việc giữa HĐND TP với Sở GD&ĐT Đà Nẵng vào ngày 21/11 vừa qua về một số đề án chuẩn bị trình tại kỳ họp HĐND sắp tới, đã có ý kiến cho rằng, việc đầu tư xây dựng nhiều trường THPT công lập là một trong những nguyên nhân khiến số HS học nghề sau THCS của Đà Nẵng rất thấp.

HS Trường THPT Thanh Khê (Đà Nẵng)
HS Trường THPT Thanh Khê (Đà Nẵng)

Tỉ lệ phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS đi học nghề của Đà Nẵng hiện nay chỉ dao động từ 10 - 12%, tùy theo năm học; thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra của Chính phủ. Trong năm học 2018 - 2019, Đà Nẵng đưa vào hoạt động trường THPT Sơn Trà và hiện đang triển khai dự án trường THPT Hòa Xuân để kịp đưa vào hoạt động đầu năm học 2019 - 20120.

Về chủ trương mở rộng trường công, ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho rằng, xã hội hóa không đồng nghĩa với việc biến trường công thành trường tư và phải đảm bảo đáp ứng tối thiểu nhu cầu của người dân về giáo dục. Chính vì vậy, trong quy hoạch mạng lưới trường lớp cần có “chỗ trống” để tư nhân có thể đầu tư vào nhằm giảm tải áp lực đầu tư trường công.

Bà Cao Thị Huyền Trân - Phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP Đà Nẵng cũng đặt vấn đề: Nếu vừa phát triển hệ thống các trường phổ thông công lập vừa đưa ra chỉ tiêu phân luồng thì có mâu thuẫn hay không?

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, những trường đã xây dựng hoặc được thông qua chủ trương đều nằm trong quy hoạch tổng thể mạng lưới trường lớp của toàn ngành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như dự báo sự phát triển của TP trong tương lai.

Ví dụ như xây dựng Trường THPT Phước Lý thì sẽ giúp giảm số lượng HS từ Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền và Thái Phiên. “Như sĩ số Trường Thái Phiên hiện nay là 2.218 HS với 60 lớp, là quá tải rồi. Nếu có Trường THPT Phước Lý thì sẽ điều tiết cả GV và HS từ 2 trường này về, giảm dần số lớp 10 tuyển mới của Trường THPT Thái Phiên xuống còn 15 lớp thay vì 20 lớp như hiện nay. Có thế thì hai trường này mới có khả năng đạt chuẩn. Như Trường THPT Phan Châu Trinh có quy mô HS bằng 3 trường THPT hạng 1, chắc không bao giờ đáp ứng tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia” - ông Vĩnh cho biết.

Về những khó khăn trong phân luồng HS sau THCS, ông Vĩnh cho biết, ngoài nhận thức của một bộ phận phụ huynh còn chưa đúng về tầm quan trọng của học nghề sau khi tốt nghiệp THCS thì chính sách hỗ trợ phân luồng sau THCS còn hạn chế đã không tạo động lực cho HS khi lựa chọn học nghề. Ngoài ra, chưa có sự phối hợp là liên kết giữa các trường dạy nghề và các trường THCS trong công tác tuyên truyền, tư vấn cho HS. “Đây là một chiến lược dài hơi nên Sở GD&ĐT sẽ có sự phối hợp với Sở LĐ, TB&XH trong xây dựng kế hoạch, mục tiêu… cho công tác phân luồng sau THCS” - ông Vĩnh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ