Chương Mỹ - Hà Nội: Cưỡng chế hay phá trại gà của dân?

GD&TĐ - Trong quá trình cưỡng chế trang trại chăn nuôi gà của bà Nguyễn Thị Tâm, UBND huyện Chương Mỹ đã huy động máy móc, công nhân phá dỡ nhà kho, chuồng lợn, 2 nhà cấp 4 cùng nhiều dụng cụ, máy móc… gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Công trình nhà kho, nhà xưởng bị phá dỡ sau cưỡng chế
Công trình nhà kho, nhà xưởng bị phá dỡ sau cưỡng chế

Chưa kịp thu hồi vốn đã bị thu hồi đất

Trong đơn gửi đến Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Tâm (trú tại đội 7, thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Năm 2005, gia đình bà thuê 6.677m2 đất từ ông Tống Quang Hải (trú tại Đội 3, Đồng Nanh, xã Tiên Phương) do UBND xã Tiên Phương quản lý để chăn nuôi, đào ao thả cá và đóng khoán sản cho UBND xã đầy đủ. Ngày 25/6/2011, gia đình bà Tâm ký tiếp hợp đồng 4.497m2 đất với UBND xã Tiên Phương thời hạn từ ngày 1/1/2011 đến hết ngày 30/10/2013.

Bà Tâm cho hay: “Lúc đó gia đình tôi thắc mắc là tại sao hợp đồng thuê đất chỉ có thời hạn là 2 năm. Chủ tịch UBND xã thời điểm đó là ông Vũ Văn Doãn hứa sẽ tiếp tục cho gia đình thuê đất khi hết hạn hợp đồng. Do vậy, gia đình mới yên tâm, vay mượn tiền để mở rộng chăn nuôi, làm đường vào trang trại, xây nhà chế biến thức ăn, nhà điều hành, nhà kho… với tổng giá trị khoảng hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2012, gia đình “tá hỏa” khi biết UBND xã Tiên Phương tiến hành thanh lý hợp đồng thuê đất”.

Từ năm 2013 đến nay, bà Tâm nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến chính quyền sở tại xem xét, tạo điều kiện cho gia đình tiếp tục thuê đất để sản xuất, tiền trả nợ ngân hàng, nhưng không được đồng ý.

Bà Vũ Thị Phan, hàng xóm nhà bà Tâm, chia sẻ: “Sau khi đọc quyết định cưỡng chế, gia đình chị Tâm không được có ý kiến dù đã xin chính quyền xã, huyện. Sau khi cưỡng chế không có biên bản ghi nhận sự việc, danh mục các công trình bị phá dỡ, giá trị thiệt hại… Nhìn tài sản gia đình chị Tâm bị phá hủy mà tôi xót xa”.

Ngày 7/9/2017 và 30/10/2017, UBND xã Tiên Phương ra quyết định cưỡng chế; Yêu cầu gia đình bà Tâm phải tháo dỡ, thu dọn, di chuyển toàn bộ vật liệu, công trình xây dựng; cá, gia súc, gia cầm, dụng cụ chăn nuôi; san lấp ao, giếng nước và cây đã trồng ra khỏi vị trí 4.245,5m2 để khôi phục lại tình trạng của đất.

Theo bà Tâm, gia đình nhất trí trả lại đất, nhưng UBND xã Tiên Phương phải thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng về đầu tư vào đất và các chi phí khác. Bởi giá trị tài sản hiện tại là lớn hơn do gia đình đã đầu tư tiền bạc, công sức để san lấp nhiều thùng vũng, hố, ao và di dời nhiều phần mộ.

Ngày 10/9/2018, UBND TP Hà Nội đã có thông báo, vụ việc gia đình bà Tâm khiếu nại sẽ được chuyển đến Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra, xác minh và báo cáo với Chủ tịch UBND TP. Mặc dù, khiếu nại của gia đình bà Tâm lên UBND TP chưa có kết luận, nhưng chính quyền địa phương vẫn tiến hành cưỡng chế.

Ngày 24/10/2018, UBND xã Tiên Phương yêu cầu gia đình di chuyển vật nuôi, cây trồng; tháo dỡ các công trình xây dựng, thu dọn, di chuyển công cụ, dụng cụ sản xuất, vật liệu ra khỏi khu vực đất để phục vụ công tác cưỡng chế. Việc cưỡng chế được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 8 - 9/11/2018, giai đoạn 2 từ 15 - 16/11/2018.

Máy móc chế biến thức ăn của gia đình bà Tâm bị hỏng hoàn toàn
  • Máy móc chế biến thức ăn của gia đình bà Tâm bị hỏng hoàn toàn

Thiệt đơn, thiệt kép

Theo kế hoạch, ngày 8/11/2018, tổ cưỡng chế sẽ chỉ tháo dỡ, thu dọn, di chuyển toàn bộ các công trình xây dựng và cây trồng ra khỏi vị trí đất vi phạm. Tuy nhiên, tổ cưỡng chế đã huy động máy móc, nhân công tiến hành phá dỡ toàn bộ tài sản bao gồm nhà kho, xưởng sản xuất thức ăn cho gà, 2 nhà cấp 4.

Theo bà Tâm, việc phá dỡ đã khiến nhiều tài sản trong trang trại bị phá hỏng hoàn toàn như: Máy trộn cám, máy nghiền trị giá 200 triệu đồng; làm hỏng 15 tấn khô đậu trị giá 150 triệu đồng; làm chết 1.500/12.000 gà mái đẻ; cùng với thuốc men, dụng cụ tiêm phòng cho gà. Cũng theo thống kê của gia đình bà Tâm, tổng thiệt hại đợt cưỡng chế này ước tính hơn 700 triệu. Nếu tiếp tục bị cưỡng chế thì giá trị gà đẻ và máy móc, chuồng trại sẽ là hơn 3 tỷ đồng.

Đứng trước đống tài sản bị phá dỡ, ông Vũ Huy Cường (chồng bà Tâm) nói trong nước mắt: “Từ khi bị cưỡng chế, mỗi ngày gia đình tôi bị thất thu khoảng 5.000 quả trứng trị giá gần 10 triệu đồng. Ngoài ra, do máy phát điện bị hỏng, giếng nước bị phá nên đàn gà thường xuyên trong tình trạng đói, khát. Nguy cơ gà chết là rất cao, bởi chỉ cần một ngày mất điện là gia đình sẽ trắng tay”.

Trước hành động cưỡng chế của UBND huyện Chương Mỹ, ông Vương Danh Vệ hàng xóm với gia đình bà Tâm, cho rằng: “Quá trình cưỡng chế của UBND huyện Chương Mỹ, ngày 8/11 là rất vô lý. Thông báo là sẽ tháo dời tài sản nhưng họ lại đưa máy xúc vào đẩy đổ nhà cửa, làm hỏng máy móc chế biến thức ăn cho gà, trang thiết bị của gia đình. Với số vốn 4 tỷ đồng bỏ ra để đầu tư vào trang trại như gia đình chị Tâm thì ít nhất 15 năm người chăn nuôi mới hoàn lại vốn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.