Chính sách thu hút cho cán bộ ngành giáo dục đã lạc hậu

GD&TĐ - Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Lâm Thành – đoàn Lạng Sơn khi phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 29/10.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – đoàn Lạng Sơn. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – đoàn Lạng Sơn. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến các nội dung chi cho chương trình chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết:

Qua giám sát và thẩm tra cho thấy, đối với các nội dung chi thường xuyên, các chính sách cho lĩnh vực giáo dục, y tế, cán bộ, như chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên mua bảo hiểm y tế, chính sách thu hút cán bộ được đảm bảo tương đối đầy đủ và nội dung này thực hiện thông qua việc cân đối ngân sách cho các địa phương và ổn định cho cả giai đoạn.

Tuy nhiên, theo đại biểu các định mức chi chính sách ban hành đã lâu, lạc hậu, mức chi thấp. Có chính sách ban hành từ năm 2009 vẫn còn hiệu lực như: hỗ trợ học sinh nội trú, hỗ trợ học sinh dân tộc dạy nghề…

Ngoài ra, đầu tư hạ tầng các xã 135 từ năm 2009 nhưng vẫn ở mức 1 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền điện 30 nghìn đồng và năm 2018 là 51 nghìn đồng/hộ.

Bên cạnh đó, có một chính sách chi bất cập, làm tăng ngân sách chi do thiếu tính đồng bộ như: Nghị định 116, Nghị định 61, Nghị định 64 và chính sách thu hút cho cán bộ ngành giáo dục và y tế đã lạc hậu.

“Chúng tôi cũng xin đề cập đến dự thảo nghị quyết của Quốc hội ở điểm d Khoản 1 Điều 2, các nội dung ghi rõ nguồn và có nêu từ "cấp bách" nhưng mà nội dung chính sách lại chỉ ghi là thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc.

Như vậy là không thể hiện rõ sự ưu tiên và dễ bị bỏ qua. Đề nghị cần ghi rõ số kinh phí cho nội dung này và thêm từ "ưu tiên thực hiện" đối với chính sách vùng đồng bào dân tộc” - đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ