Chính phủ điều chỉnh tăng mức cho vay: Nhà trường vui mừng, sinh viên phấn khởi

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1656/QĐ-TTg về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên (HSSV). Theo đó mức vay tối đa được tăng lên là 2.500.000 đồng/tháng/HSSV, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2019. Nhiều trường học, sinh viên bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi nhận được thông tin.

SV Trường ĐH Nông Lâm TPHCM xếp hàng chờ trả giấy xác nhận vay vốn. 	Ảnh NLU
SV Trường ĐH Nông Lâm TPHCM xếp hàng chờ trả giấy xác nhận vay vốn. Ảnh NLU

Số liệu thông kê sơ bộ cho thấy, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU), trung bình mỗi năm có khoảng 40% SV xin giấy xác nhận để vay vốn; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, từ 1/8/2019 đến 15/9/2019 đã có 7.172 SV đăng ký giấy xác nhận để phục vụ vay vốn; Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, số liệu thống kê từ 5/9/2018 - 5/9/2019 có 3.597 SV đăng ký giấy xác nhận để phục vụ vay vốn... Điều này phản ánh nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội của HSSV là rất lớn.

Theo ThS Nguyễn Bá Anh - Phó phòng Truyền thông - Marketing Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, việc áp dụng chương trình cho vay ưu đãi dành cho SV là một trong những chủ trương đúng đắn và nhân văn của Chính phủ từ nhiều năm trước. Nó không những giúp SV có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục thực hiện ước mơ được học tập, mà còn gián tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, trình độ văn hóa, giáo dục của đất nước.

“Từ thời điểm 2007, với mức cho vay bình quân 800.000 đồng/tháng cơ bản giúp SV chi phí được mức sống tối thiểu bao gồm chi phí sinh hoạt, ăn ở và một phần học phí. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, mức lạm phát và những đòi hỏi ngày càng cao từ chất lượng các dịch vụ xã hội, dịch vụ đào tạo… chi phí này đã không còn phù hợp và cần điều chỉnh.

Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1656/QĐ-TTg về việc điều chỉnh mức cho vay đối với HSSV tăng lên 2.500.000 đồng/tháng/HSSV là hợp lý, nhận được sự đồng tình của xã hội, đặc biệt là các HSSV có hoàn cảnh khó khăn đang theo học hoặc chuẩn bị theo học” - ThS Nguyễn Bá Anh bày tỏ.

Nguyễn Minh Hiếu - SV năm 3 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chia sẻ: Chính sách tăng vốn vay sẽ giúp SV có cơ sở, động lực tiếp tục học tập; đồng thời giải tỏa được tâm lý lo ngại về kinh phí đi học. Bên cạnh đó, với mức sinh hoạt phí ngày càng tăng bao gồm chi phí sinh hoạt, ăn ở, đi lại… đặc biệt là học phí với mức tăng từ 3 – 5 lần so với khoảng 10 năm trước thì đây là mức tăng phù hợp giúp SV thuận lợi hơn khi trang trải cho các hoạt động trong cuộc sống và học tập.

“Với chi phí sinh hoạt như hiện nay, quyết định nâng mức hỗ trợ vay dành cho HSSV của Chính phủ là hoàn toàn hợp lý. Cá nhân em cũng nhờ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mới có thể tiếp tục đi học. Em rất vui khi nhận được thông tin này. Với mức hỗ trợ vay mới của Chính phủ, SV có thể tự trang trải mức học phí cũng như sinh hoạt phí hàng tháng. Đặc biệt, SV chúng em sẽ biết tự phân chia, sắp xếp nguồn chi phí sao cho hợp lý. Sau khi tốt nghiệp và có việc làm, SV có thể tự chủ động hoàn trả số tiền đã vay...” – SV Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ.

Nguyễn Hồng Quang – SV năm 3 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành khẳng định: “Chương trình cho vay vốn HSSV đã giúp ích cho em rất nhiều và mang đến nhiều ý nghĩa nhân văn to lớn. Từ đó, em có thêm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, giảm bớt khó khăn tài chính cho bản thân và gia đình; đồng thời tăng cường trách nhiệm của bản thân về ý thức hoàn trả chi phí sau học tập của mình. Em thật sự rất vui khi biết tin Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng mức cho vay đối với HSSV”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ