Cần tiếp cận nhóm ngành nghề mới

GD&TĐ - Trong ba năm trở lại đây, số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn, thường xuyên vượt mức 100.000 người mỗi năm. 

Cần tiếp cận nhóm ngành nghề mới

Thị trường lao động ngoài nước đang ngày càng được mở rộng, tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động. Bên cạnh các những cơ hội mới, còn có nhiều thách thức về đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường lao động các nước phát triển.

Nhiều thị trường tiềm năng

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, các thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam vẫn tiếp tục có nhu cầu tiếp nhận lao động ổn định.

Tại thị trường Nhật Bản, nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam ngày càng tăng và đa dạng về ngành nghề, để bù đắp việc thiếu hụt nhân sự chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic được tổ chức vào năm 2020.

Đối với thị trường lao động Hàn Quốc, mới đây nhất, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS).

Tới đây, hai bên sẽ tiến hành thống nhất tổ chức các kỳ thi tuyển lao động trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Về công tác đào tạo lao động xuất khẩu, cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước: Nhiều doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đã chủ động đầu tư bài bản trong công tác tạo nguồn và đào tạo lao động về tay nghề và ngoại ngữ trước khi xuất cảnh, cũng như tác phong, kỷ luật lao động và ý thức chấp hành kỷ luật khi làm việc ở nước ngoài.

Các doanh nghiệp cũng đã tập trung, chú trọng đầu tư nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác xuất khẩu lao động. Mặc dù vậy, không ít lao động Việt Nam vì nóng vội mà bỏ qua việc học tập những kỹ năng cần thiết, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều trung tâm đào tạo nhân lực xuất khẩu lao động hiện nay.

Đẩy mạnh đào tạo và hỗ trợ lao động

Tiếp cận thị trường lao động các nước phát triển, thì đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xem là yếu tố then chốt. Được biết, hiện nay bên cạnh những thị trường truyền thống, nhiều quốc gia phát triển đang mở rộng các chính sách tiếp nhận lao động đến từ Việt Nam.

Tuy nhiên, số lượng lao động đi theo các chương trình này còn rất hạn chế. Bởi tại các nước phát triển, bên cạnh nguồn thu nhập cao, những thị trường lao động này cũng đòi hỏi người lao động phải đáp ứng được các tiêu chí về kỹ năng tay nghề, ngoại ngữ, ứng xử và tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Đây chính là những yêu cầu về đào tạo được đặt ra trong công tác đưa lao động xuất khẩu ra nước ngoài làm việc.

TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Ký kết đưa lao động xuất khẩu đi các nước phát triển là một hướng đi quan trọng để tạo điều kiện thúc đẩy thị trường đào tạo, đặc biệt tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người học xong trình độ cao đẳng, trung cấp hoặc người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Đây là điểm cốt lõi nhất để thị trường lao động các nước phát triển tuyển dụng lao động Việt Nam.

“Trong năm nay, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đẩy mạnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của các nước tiếp nhận lao động xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho người học thông qua các chính sách cho vay vốn học tập, hỗ trợ vay vốn đi lao động xuất khẩu và các hỗ trợ khác liên quan đến xuất khẩu lao động” - Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.

Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng các nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu đưa đi như: Điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao… tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ