Cần minh định trong quản lý để "gỡ khó" cho nghề giáo

GD&TĐ - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) yêu cầu giảng viên phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành mới được giảng dạy tại Trường Cao đẳng Cần Thơ.

Việc dùng hai chữ “kỹ năng” trong xã hội của chúng ta hiện nay không đồng nhất. Ảnh minh họa
Việc dùng hai chữ “kỹ năng” trong xã hội của chúng ta hiện nay không đồng nhất. Ảnh minh họa

Một số chuyên gia nhận định, đây là bất cập trong quản lý hệ cao đẳng.

Yêu cầu Tiến sĩ phải… học nghề

Một số chuyên gia cho rằng, kể từ khi Bộ LĐ – TB&XH quản lý hệ cao đẳng đã xảy ra nhiều bất cập. Cụ thể, mới đây, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký văn bản thông báo kết quả kiểm tra các điều kiện đảm bảo tổ chức hoạt động đào tạo giáo dục nghề nghiệp tại Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ.

Kết luận đề nghị trường không bố trí giảng viên chưa đủ chuẩn giảng dạy, bổ sung giảng viên đạt chuẩn với một số ngành chưa đủ theo quy định. Đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với 306 nhà giáo chưa đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề để đảm bảo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại thông tư 08/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo đó, Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ có 312 giảng viên (gồm 10 tiến sĩ, 266 thạc sĩ, 30 cử nhân và 6 cán bộ thỉnh giảng) thì có 306 giảng viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, không giảng viên nào trong số này có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành.

Nói về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Giảng viên ở trường cao đẳng nghề đã có bằng tốt nghiệp về chuyên môn giảng dạy và được Nhà nước công nhận. Đồng thời được một cơ sở giáo dục nhận vào với tư cách là một giảng viên, thì đồng nghĩa với việc người đó đã được chuẩn hóa về tay nghề.

Chúng ta cũng không thể phủ nhận một điều, để đứng chân được trên bục giảng chắc chắn đội ngũ ấy đã phải đi học và được đào tạo bài bản qua trường lớp. Vì qua quá trình đào tạo trước đó nên đương nhiên họ đã có tay nghề. Bây giờ lại yêu cầu phải học lại chỉ để lấy về cái chứng chỉ bằng giấy thì có khác gì mình đang làm khó các giảng viên”.

Giáo sư Phạm Tất Dong nêu ví dụ, với một người thợ hàn xì, trong quá trình đào tạo thì tùy vào khả năng hoàn thiện sản phẩm theo độ khó của công việc mà họ được giao. Người thợ ấy sẽ được cơ sở giáo dục đó đánh giá năng lực làm việc. Hay nói cách khác là đánh giá về kỹ năng nghề ở những bậc cao hơn và được cấp các chứng chỉ cụ thể. Điều này thì nhất thiết phải thông qua quá trình thi cử, đánh giá thực tiễn để khẳng định được năng lực thực sự của một người thợ lành nghề.

“Còn với các cán bộ giảng viên, công việc chính của họ là giảng dạy mà giờ cũng đòi hỏi cả kỹ năng nghề thì có vẻ khiên cưỡng. Theo tôi, cái họ cần chính là kỹ năng giảng dạy chứ không phải là kỹ năng nghề” – GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

GS Phạm Tất Dong cũng giải thích thêm, một giảng viên đã được công nhận là Tiến sĩ hoặc Thạc sĩ thì rõ ràng trình độ chuyên môn nghề nghiệp của họ đã được Nhà nước công nhận. Như vậy, với những khả năng chuyên môn đó, họ sẽ có năng lực truyền đạt tri thức đối với các học viên dưới dạng là lý thuyết. Khả năng truyền đạt của họ sẽ được kiểm chứng lại thông qua các bài tập của các sinh viên hàng ngày trên lớp, chứ không phải kỹ năng ấy của giảng viên được vận dụng trên các ngành nghề cụ thể.

“Theo tôi, một cán bộ giảng viên đã là Giáo sư, Tiến sĩ hay Thạc sĩ thì họ đã đạt được chuẩn nghiên cứu và giảng dạy ở một bậc cao rồi. Vì thế, đừng yêu cầu họ phải học thêm những cái kỹ năng ấy nữa. Họ hoàn toàn đủ tư cách, trình độ để làm những công việc theo đúng lĩnh vực họ được đào tạo ra. Không những thế, việc dùng hai chữ “kỹ năng” trong xã hội của chúng ta hiện nay cũng không đồng nhất. Khi nói đi học bổ sung thêm kỹ năng cũng cần phải phân định rõ đó là kỹ năng gì, có cần thiết phải bổ trợ lại kỹ năng đó hay không” - GS.TS Phạm Tất Dong nói.

GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam.
GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam.

Lủng củng trong quản lý hệ cao đẳng

Cũng theo GS Phạm Tất Dong, đơn vị quản lý không nên “đẻ” thêm ra những yêu cầu khác ngoài những thứ mà Nhà nước ta đã đưa vào khung chương trình đào tạo đang có sẵn. Trong việc này nên đưa ra yêu cầu cụ thể với từng giảng viên cần phải đào tạo, bổ sung thêm những kỹ năng gì còn thiếu.

“Rõ ràng là các giảng viên này đã phải trải qua một bộ khung chương trình đào tạo trước đó thì họ mới được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này nhận vào làm việc. Bây giờ lại nói là chưa đủ tiêu chuẩn thì có khác gì những kỹ năng mà các giảng viên này đã được học trước đó là hoàn toàn vô nghĩa. Mà đã là yêu cầu bắt buộc thì tại sao không đưa vào khung để họ được đào tạo và cấp bằng cho họ ngay từ ban đầu. Sự việc này khiến người ta phải đặt thêm dấu hỏi về sự lủng củng trong quản lý hệ cao đẳng của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội” – GS Phạm Tất Dong nói.

TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết, khi đưa hệ cao đẳng về Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội quản lý, Bộ này đã áp dụng cách quản lý giống hệt cách quản lý cơ sở dạy nghề trước đây. Vì vậy, hệ cao đẳng đã được đồng bộ hóa theo hướng nặng về đào tạo lao động có kỹ năng. Trong khi về bản chất hệ cao đẳng gần với đào tạo trình độ ĐH, có hàm lượng học vấn và lý thuyết khá nhiều, đào tạo người học theo hướng đánh giá năng lực tư duy khác hẳn với đào tạo nghề.

TS Lê Đông Phương cũng cho biết, câu chuyện quản phân khúc nào trong hệ thống giáo dục không phải chỉ có ở Việt Nam. Có nước dùng ba Bộ để quản lý lần lượt hệ thống giáo dục phổ thông; hệ thống trung cấp, cao đẳng; hệ thống ĐH. Tuy nhiên, họ có một luật thống nhất nên dễ quản lý. Còn Việt Nam đang bối rối vì có quá nhiều luật chồng chéo.

“Cá nhân tôi cho rằng cần một khung pháp lý thống nhất thì câu chuyện sẽ đơn giản hơn. Còn duy trì như hiện nay thì bản thân các đối tượng liên quan không thể nắm vững mình đang chịu sự quy định của khung pháp lý nào. Quy định hiện hành thậm chí còn làm vướng cho những ai có ý định cải cách tiếp theo” - TS Lê Đông Phương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ