Cần đầu tư mạnh tuyên truyền, xây dựng thương hiệu quốc gia

GD&TĐ - Diễn đàn “Thương hiệu quốc gia với truyền thông và cộng đồng” được Hội đồng Thương hiệu Quốc gia và Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương phối hợp tổ chức sáng nay (20/4) tại Hà Nội.

Quang cảnh diễn đàn
Quang cảnh diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải (Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam) nhận định: Ngay từ giai đoạn đầu triển khai, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác với các báo, đài để thực hiện nhiều hoạt động quảng bá, tăng cường sự nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.

“Các phương tiện truyền thông đã nêu ra những tồn tại, hạn chế trong thực trạng xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam, những thách thức mà quốc gia, cộng đồng DN đang và sẽ phải đối mặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Đồng thời các phương tiện truyền thông cũng đã kịp thời phản ánh ý kiến của người tiêu dùng đối với nhà sản xuất và thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, giúp DN có thông tin định hướng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và thương hiệu bền vững hơn.

Ngoài ra để xây dựng thương hiệu quốc gia, cũng như khẳng định bản sắc trên thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập là cách đi đúng hướng.

Chúng ta có thể kỳ vọng việc khẳng định thương hiệu Việt trên thương trường quốc tế là có triển vọng, song phải có thời gian và lộ trình để tích tụ năng lực và kinh nghiệm...” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc diễn đàn

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc diễn đàn 

Nói về vai trò của công tác truyền thông đối với hình ảnh và Thương hiệu quốc gia, TS Bùi Thế Đức - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh: “Hiện công tác phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia ở Việt Nam còn không ít bất cập, khó khăn.

Nhiều DN Việt Nam có hàng xuất khẩu đã phải chịu thiệt đơn, thiệt kép do không hiểu biết pháp luật, không có ý thức về xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Nhiều người nước ngoài không biết đến hoặc biết không đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Đặc biệt, thương hiệu hàng hóa Việt Nam đang bộc lộ khá nhiều những điểm yếu như bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa; vẫn tiếp tục phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài; bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới...”.

Cũng theo TS. Đức, trong chuỗi quá trình tạo giá trị gia tăng trên toàn cầu (nghiên cứu và phát triển – sở hữu trí tuệ; sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thương mại/dịch vụ), ở 2 phân khúc đầu, Việt Nam không có nhiều lợi thế, nhưng có thể đua tranh ở 2 phân khúc sau.

“Để có thể tham gia tích cực hơn nữa vào việc xây dựng, phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia, công tác thông tin tuyên truyền thời gian tới cần được các cấp, ngành, DN nhận thức đầy đủ hơn.

Bên cạnh đó, cần đầu tư chiến lược hơn cho công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế so sánh. Và cần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và phối hợp tốt hơn giữa DN với các cơ quan truyền thông.

Công tác thông tin tuyên truyền giúp cho người Việt Nam nhận thức được những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức để chủ động tham gia và gắn kết vào chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ toàn cầu” - TS. Bùi Thế Đức nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc dạy trẻ cách cư xử và tương tác với thú cưng là vô cùng cần thiết. (Ảnh: ITN).

Dạy con chơi với thú cưng an toàn

GD&TĐ - Đối với nhiều gia đình, thú cưng cũng là một thành viên quan trọng. Chúng góp phần dạy trẻ nhiều kỹ năng sống, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm.