Cần bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì có giáo viên”

GD&TĐ - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa ký văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh về chủ trương tinh giản biên chế trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, đối với lĩnh vực GD-ĐT đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho Bộ GD&ĐT và các địa phương trong việc tiến hành đồng bộ các giải pháp để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nhưng phải bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì có giáo viên”.

Biên chế giáo viên cần sự quan tâm từ các cơ quan chức năng
Biên chế giáo viên cần sự quan tâm từ các cơ quan chức năng

Trong chất vấn của ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai nêu rõ, chủ trương cải cách hành chính là một chủ trương đúng, tạo động lực mới cho đội ngũ công chức, viên chức và toàn hệ thống chính trị. Đi kèm chủ trương đó là giảm biên chế, qua thực tiễn sẽ giúp Trung ương thấy rõ hơn để có giải pháp, biện pháp tác động điều chỉnh đồng bộ các lĩnh vực nhằm tạo hiệu quả, tăng năng suất, tạo năng động, phát huy sự chủ động sáng tạo của từng cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, nhìn cụ thể từng ngành thì chính sách giảm biên chế còn nhiều bất cập. Cụ thể, đối với ngành Giáo dục, đặc biệt vùng khó khăn, vùng sâu xa, vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, nơi dân cư phân tán, hiện thiếu giáo viên mầm non...

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến như sau: Thực hiện quy định của Luật Viên chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên các cấp học (mầm non, TH, THCS, THPT) và giảng viên cơ sở giáo dục đại học công lập, làm cơ sở pháp lý để thực hiện việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục; quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập để các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện việc xây dựng đề án vị trí việc làm và xác định số lượng người làm việc, tuyển dụng và sử dụng viên chức theo vị trí việc làm.

Về quản lý số lượng người làm việc (biên chế sự nghiệp), căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2003/NĐ-CP ngày 19/6/2003 về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 89/2003/TT-BNV ngày 24/12/2003 hướng dẫn thực hiện về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp Nhà nước, trong đó quy định rõ: “Đối với cấp tỉnh, UBND báo cáo HĐND cùng cấp để quyết định tổng biên chế sự nghiệp ở địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng ngân sách của địa phương”. Như vậy, đến hết năm 2015 (trước khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016) thì thẩm quyền quyết định biên chế sự nghiệp của địa phương do HĐND cấp tỉnh phê duyệt...

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong đó đối với lĩnh vực GD-ĐT đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho Bộ GD&ĐT và các địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nhưng phải bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì có giáo viên”.

Đồng thời, triển khai kết luận của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế tại Công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan rà soát cụ thể số biên chế sự nghiệp giáo dục, y tế cần bổ sung. Theo đó, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi các địa phương để rà soát, tổng hợp báo cáo thực trạng về tổ chức, biên chế của các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế và nhu cầu về sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục, y tế. Bộ Nội vụ đã tổ chức kiểm tra thực tế tại 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế để tổng hợp, báo cáo, đề xuất với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ chiều 22/5, ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai cho biết, đây là chất vấn từ kỳ họp trước nhưng nội dung trả lời của người đại diện Chính phủ chưa thực sự khiến bà hài lòng. Nội dung trả lời chất vấn thuần túy là dẫn các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, còn chung chung và thiếu cụ thể. “Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng vấn đề bảo đảm biên chế cho giáo viên nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn liên quan đến nhiều bộ, ngành và từ mỗi địa phương. Vì vậy, qua chất vấn tôi mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, làm tốt công tác phối hợp để bảo đảm nguồn nhân lực cho giáo dục”, ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai bày tỏ quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ