Bỗng dưng mắc nợ ngân hàng dù không vay vốn

Mới đây, một chủ doanh nghiệp tại Hà Nội bất ngờ phát hiện có khoản nợ 53 triệu đồng, kỳ hạn 3 năm tại Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) dù chưa từng làm hồ sơ vay vốn tiêu dùng.

Qua xác minh, FE Credit cho biết khách hàng này đã bị các đối tượng lừa đảo giả mạo hồ sơ để đăng ký tài khoản vay, thực hiện qua ứng dụng vay nhanh $nap của FE Credit. Cụ thể, đối tượng đã làm giả chứng minh thư "mạo danh" khách hàng để qua mặt hệ thống và được duyệt khoản vay tự động.

Công ty này khẳng định, khách hàng trên không có nghĩa vụ trả nợ khoản vay 53 triệu và thông tin tín dụng của khách hàng tại Cổng thông tin tín dụng quốc gia (CIC) sẽ được điều chỉnh ngay trong tháng này.

Đây không phải trường hợp đầu tiên bỗng dưng mắc nợ công ty tài chính mà không hay biết. Trên thực tế, nhiều đối tượng lừa đảo đã giả mạo thành công hồ sơ đứng tên người khác để rút tiền từ công ty tài chính. Trước đây, công an cũng từng phát hiện và xử lý một đối tượng cầm đầu đường dây làm giả hàng trăm hồ sơ, chiếm đoạt tiền tỷ từ ứng dụng vay tiền nhanh.

Chia sẻ với VnExpress, ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc công ty Công nghệ thông tin VNPT ( VNPT-IT) nhận định, với thủ đoạn làm giả phôi chứng minh nhân dân tinh vi, ngay cả khi đối tượng lừa đảo giao dịch trực tiếp tại quầy, nhân viên công ty tài chính hay ngân hàng cũng khó phát hiện ra. Tuy nhiên, việc xác minh danh tính trực tuyến theo ông giúp các công ty tài chính "nắm đằng chuôi" khi lưu trữ được hình ảnh hay nhận diện được khuôn mặt của đối tượng mở hồ sơ. Từ đó dễ dàng truy ra đối tượng lừa đảo.

Không chỉ mắc nợ công ty tiêu dùng, nhiều người bỗng dưng gánh nợ xấu ngân hàng vì "tiêu thẻ tín dụng không chịu trả".

Cách đây vài tháng, anh Tùng – chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội, nhận được cuộc gọi từ một ngân hàng top đầu về bán lẻ, thông báo anh có một khoản nợ xấu do chi tiêu qua thẻ tín dụng 3 tháng chưa thanh toán.

Sau khi tìm hiểu, anh Tùng mới hay hồ sơ thẻ tín dụng được mở dựa trên chứng minh thư của mình nhưng chữ ký và số điện thoại lại là của người khác. Nhân viên tổng đài cũng cho biết phải gọi qua rất nhiều số điện thoại mới tìm được đến đúng địa chỉ của anh để thông báo về khoản nợ.

Anh nhớ lại, năm ngoái có nhờ người quen cầm chứng minh nhân dân để đến lấy giúp hồ sơ tại ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó người này đã mở thẻ tín dụng đứng tên anh và đã tiêu xài gây ra nợ xấu. Vì sợ ảnh hưởng người quen nên anh Tùng đành chấp nhận xóa thẻ tín dụng mà không làm to chuyện hay kiện tụng gì thêm.

Thế nhưng, vì khoản nợ xấu này mà doanh nghiệp của anh tìm tới ngân hàng nào cũng bị từ chối cho vay vốn trong suốt một năm (dù có tài sản thế chấp đầy đủ).

"Dù sự việc đã qua, tôi vẫn rất bức xúc. Lỗi một phần do lòng tham của người quen, nhưng tôi không hiểu tại sao ngân hàng có thể mở thẻ tín dụng chỉ với một chiếc chứng minh thư, mà không cần sự có mặt cũng như chữ ký của tôi như vậy. Quy trình của ngân hàng lỏng lẻo tới vậy hay sao?", anh nói.

Tương tự, anh Quân (Hà Nội) cũng phản ánh bất ngờ nhận được thông báo có khoản nợ xấu hơn 30 triệu do chi tiêu qua thẻ tại một ngân hàng tư nhân. Việc này khiến gia đình anh phiền hà và lo lắng khi bỗng dưng "một khoản nợ rơi vào đầu". Sau thời gian theo đuổi vụ việc, anh được ngân hàng xác minh thẻ tín dụng bị lập khống do chủ ý của nhân viên ngân hàng. Nhà băng này sau đó đã xóa thông tin nợ xấu của anh khỏi CIC.

Tuy nhiên, không phải tất cả khách hàng bỗng dưng mắc nợ ngân hàng đều "vô can". Một số trường hợp khách phát sinh tăng dư nợ do chủ quan cung cấp thông tin cá nhân cho người khác.

Trong một thông báo phát đi cách đây không lâu, FE Credit cho biết, khi tiến hành thu hồi nợ, nhiều người khó chịu và thắc mắc vì không vay hoặc không có giao dịch nhưng vẫn bị nhắc nợ. Đây là tình trạng diễn ra phổ biến.

"Nhưng với những trường hợp vô tình hoặc cố ý để lộ thông tin dẫn đến việc làm tăng dư nợ, ví dụ như đưa thẻ tín dụng hay cung cấp mã OTP cho kẻ mạo danh nhân viên, khách hàng vẫn sẽ chịu trách nhiệm với khoản nợ" công ty này cho biết.

Vì thế, để tự bảo vệ bản thân trước những tình huống gian lận, các ngân hàng khuyến cáo người dân không cung cấp hình ảnh, giấy tờ tùy thân cho người khác. Khách hàng không chia sẻ OTP cho bất kỳ ai kể cả người thân hay nhân viên ngân hàng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng tuyệt đối không đồng ý để bất cứ ai ký thay hồ sơ, giấy tờ dù trong bất kỳ trường hợp nào, để phòng những trường hợp sai sót thông tin hoặc lừa đảo.

Theo Vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ