Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp xúc cử tri Trường ĐH Quy Nhơn

GD&TĐ - Chiều 5/7, Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc giữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Đại biểu Quốc hội Phùng Xuân Nhạ với cử tri ĐH Quy Nhơn sau  kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Đại biểu Quốc hội Phùng Xuân Nhạ báo cáo với các cử tri về kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Đại biểu Quốc hội Phùng Xuân Nhạ báo cáo với các cử tri về kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Đến dự Hội nghị có ông Lê Công Nhường – Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định, ông Phan Phi Hổ- Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bình Định cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đông đảo cử tri , cán bộ lãnh đạo, giảng viên, sinh viên trường ĐH Quy Nhơn.

 Cử tri đã đánh giá cao hoạt động thảo luận, chất vấn của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV.

 Tại buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định, ông Lê Công Nhường báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV với cử tri. Kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã tham gia 46 lượt ý kiến về nhiều vấn đề, trong đó có 34 lượt ý kiến góp ý tại các buổi thảo luận tổ, 12 lượt ý kiến tại các phiên thảo luận ở hội trường và 7 ý kiến chất vấn, trong đó có 4 ý kiến chất vấn trực tiếp tại hội trường. Cử tri đã đánh giá cao hoạt động thảo luận, chất vấn của các ĐBQH tại kỳ họp vừa qua, đồng thời kiến nghị một số vấn đề. 

ông Lê Công Nhường cho biết: Một trong những nội dung quan trọng được cử tri thống nhất đánh giá cao đó là kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV tiếp tục được cải tiến về cách thức điều hành. Trong đó có việc tranh luận, đối thoại trực tiếp về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, việc các Bộ trưởng trực tiếp giải trình, tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận các dự án luật, nghị quyết, báo cáo đã tạo không khí làm việc dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.

Bên cạnh đó, cử tri đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, kinh tế - xã hội của đất nước đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, đặc biệt là những khó khăn trong nước do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng gây ra...đã tác động rất lớn đến nền kinh tế nước ta. Cử tri mong muốn Chính phủ có những giải pháp mạnh mẽ, dự báo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2017 đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định, ông Lê Công Nhường báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV với cử tri.
 Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định, ông Lê Công Nhường báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV với cử tri. 

Nêu những ý kiến, kiến nghị của cử tri về phát triển kinh tế, ông Lê Công Nhường báo cáo: Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp kịp thời trong điều hành nền kinh tế đất nước ổn định và phát triển. Đảm bảo chính sách an sinh xã hội, một số mặt hàng thiết yếu giảm giá. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát giá cả thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp tới đời sống của nhân dân. 

Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong thời gian tới. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng và các địa phương tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn thực phẩm, chất lượng hàng hoá ngay từ khâu sản xuất, nhập khẩu; chú trọng công tác quản lý thị trường ở các cơ sở kinh doanh.

Cử tri cũng kiến nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính sớm triển khai dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp đóng tàu sớm khắc phục tình trạng một số tàu vỏ thép và trang thiết bị theo Nghị định 67 bị hư hỏng để giúp ngư dân ổn định sản xuất, phát huy hiệu quả của chính sách phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. 

Thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã triển khai thực hiện hoàn thành nhiều dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Các dự án đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích trên nhiều phương diện và tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải xem xét miễn, giảm phí qua trạm BOT cùa các địa phương liền kề hằng ngày phải đi qua Trạm, góp phần giảm chi phí vận tải. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị thi công, nhất là đối với các tuyến đường thực hiện theo phương thức BOT khẩn trương tích cực sửa chữa, khắc phục hư hỏng tuyến Quốc lộ 1, QL 19 (trong đó có đoạn đi qua các huyện Phù Mỹ, An Nhơn và Tây Sơn của tỉnh Bình Định) theo trách nhiệm bảo hành đối với các đoạn của dự án mở rộng, nâng cấp, tuy mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nặng.

 Mở “nút thắt” cho các trường Đại học, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung vào quản lý nhà nước và tăng cường giám sát.

Tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri, nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn đã thẳng thắn bày tỏ nhiều ý kiến băn khoăn, trăn trở về tổ chức, nhân sự, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp; về tuyển sinh, đào tạo, khảo thí, kiểm định chất lượng; về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; sinh viên khởi nghiệp, cải thiện điều kiện học tập...

 Cử tri rất quan tâm đến những vấn đề đổi mới của các trường ĐH

Trả lời những băn khoăn của cử tri Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ giải thích: “Mặc dù trong Luật giáo dục ĐH và Điều lệ trường ĐH đều qui định bộ máy tổ chức của cơ sở giáo dục ĐH phải có hội đồng( HĐ) Trường nhưng thực tế số trường ĐH có HĐ Trường rất ít và nếu có thì vai trò của HĐ Trường rất mờ nhạt.” Vì vậy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Hội đồng trường là một trong những thành tố hết sức quan trọng, có tính chất quyết định thành công của chủ trương tự chủ các trường ĐHtới đây. Tự chủ ĐH là một xu hướng đã được thực hiện rất mạnh ở các nước và đang đẩy mạnh ở nước ta. Đây là một nhu cầu tự thân của giáo dục ĐH. Tự chủ ĐH để hướng tới tăng cường chất lượng, giải phóng các nguồn lực của nhà trường. Đây là nhu cầu hết sức chính đáng của các trường ĐH. Chính phủ rất quan tâm, ủng hộ và đã giao cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị Nghị định về từ chủ ĐH và sẽ sớm ban hành. Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu công phu, lấy ý kiến tất cả các đơn vị trên toàn quốc.

Nội dung của Nghị định tự chủ ĐH có nhiều nhưng tập trung vào 3 vấn đề lớn: Thứ nhất là tự chủ về học thuật (tự chủ mở ngành, tự chủ quyết định ngành nghề đào tạo). Đây có thể là một quyết định mở “nút thắt” cho hoạt động của các trường ĐH. Với xu hướng này Bộ GD&ĐT phân cấp rất mạnh cho các trường. Bộ GD&ĐT tập trung vào quản lý nhà nước, tăng cường giám sát...Đây thực sự là một bước chuyển lớn.

Thứ hai là tự chủ về bộ máy tổ chức nhân sự. Các đồng chí lãnh đạo nhà trường phải được tự chủ xây dựng đề án vị trí việc làm, quyết định trả lương, tuyển dụng,...

Thứ ba là tự chủ về tài chính. Các trường được quyền tự quyết các nguồn thu hợp pháp của mình. Như vậy, với nội dung, tinh thần của Nghị định tự chủ ĐH tới đây sẽ giải phóng năng lực của các trường ĐH.

 Cử tri  đã thẳng thắn bày tỏ những ý kiến với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Đại biểu Quốc hội Phùng Xuân Nhạ

Tuy nhiên, các thầy cô luôn nhớ tự chủ ĐH bao giờ cũng gắn với trách nhiệm xã hội, vì đây là quyền lợi của người học, quyền lợi của xã hội. Mức độ tự chủ gắn mới mức độ giải trình.

Với 3 nội dung lớn của Nghị định tự chủ đại học thì vai trò của Hội đồng trường vô cùng quan trọng. Hội đồng trường bao gồm là đại diện của các bên trong nhà trường, thầy cô giáo, học sinh-sinh viên, cán bộ quản lý và đại diện bên ngoài nhà trường. làm sao giám sát hoạt động của nhà trường và quyết định những vấn đề lớn chiến lược, nhân sự, tài chính...Ban giám hiệu nhà trường có nhiệm vụ thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng trường và báo cáo, giải trình với Hội đồng trường về hoạt động chỉ đạo thực hiện của mình.

Tuy nhiên, hiện nay số lượng trường đại học thành lập được Hội đồng trường còn vừa phải, khoảng hơn ½ số trường; nhiều trường vẫn khó khăn trong thành lập Hội đồng trường. trong đó có một lý do rất lớn đó là vai trò, thực quyền của Hội đồng trường còn rất mờ nhạt, đây là một vấn đề lớn.  Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn gửi các trường thực hiện quyền của Hội đồng trường và Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra giám sát. Và chỉ khi Hội đồng trường hoạt động một cách thực sự, đúng vai trò, thực quyền thì mới đảm bảo được dân chủ trong các trường.

 Các cử tri mong muốn hoạt động KH&CN trong các trường ĐH được quan tâm hơn nữa

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời câu hỏi băn khoăn của cử tri: “Nhằm phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục ĐH, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 về việc Quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH(gọi tắt là Nghị định 99). Trong đó, hằng năm, cơ sở giáo dục ĐH dành tối thiểu 5% kinh phí từ nguồn thu hợp pháp của cơ sở giáo dục ĐH để đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ ở cơ sở giáo dục ĐH và dành tối thiểu 3% kinh phí từ nguồn thu học phí của cơ sở giáo dục ĐH để sinh viên và người học hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đến nay Bộ GD&ĐT chưa có thông tư hướng dẫn nên việc thực hiện Nghị định 99 ở các cơ sở giáo dục ĐH còn nhiều lúng túng. Hơn nữa, với mức kinh phí dành cho hoạt động KH&CN như trên từ nguồn thu của cơ sở giáo dục ĐH thì không đủ kinh phí để chi cho các hoạt động khác.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Đây là một vấn đề còn yếu của các trường ĐH. Trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của có nhiều cố gắng. Vai trò của khoa học công nghệ là rất lớn, đặc biệt đến đây chúng ta tiến tới cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Có thể khẳng định  khoa học công nghệ là bệ đỡ cho các trường ĐH, cho sự phát triển của nước nhà nhưng trong một thời gian dài các trường ĐH chỉ tập trung công tác đào tạo, cho nên kinh phí dành cho hoạt động KH&CN còn rất hạn chế.

“ĐH là sáng tạo, ĐH là đổi mới; mà muốn sáng tạo, muốn đổi mới thì phải nghiên cứu. Nhưng hiện nay, kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu KH&CN còn thấp. Và nguồn kinh phí đầu tư cho các trường ĐH để hoạt động KH&CN còn rất khó khăn. Sắp tới thực hiện tự chủ ĐH, các trường sẽ tự quyết định nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN, khi đó quyền quyết định thuộc về Hiệu trưởng và Hội đồng trường." Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Đại biểu Quốc hội Phùng Xuân Nhạ, ông Lê Công Nhường - Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định, ông Phan Phi Hổ - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Định, ông Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri Trường ĐH Quy Nhơn.
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Đại biểu Quốc hội Phùng Xuân Nhạ, ông Lê Công Nhường - Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định, ông Phan Phi Hổ - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Định, ông Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri Trường ĐH Quy Nhơn.
Niềm vui của cán bộ, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn khi tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri.
Niềm vui của cán bộ, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn khi tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri.
 
Cử tri Trường ĐH Quy Nhơn lắng nghe báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV.
  Cử tri Trường ĐH Quy Nhơn lắng nghe báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ