Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp xúc cử tri là các đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định và các tổ chức thành viên

GD&TĐ - Chiều 28/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tham dự Hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định và các tổ chức thành viên trước kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định tiếp xúc cử tri tỉnh Bình Định.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định tiếp xúc cử tri tỉnh Bình Định.

Ông Phan Phi Hổ - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định chủ trì và điều hành Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có ông Lê Kim Toàn - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định; bà Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định, cùng các thành viên trong Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định và gần 100 cử tri đại điện cho các đơn vị, tổ chức.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, trò chuyện với đại biểu cử tri.
 Bộ trưởng  Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, trò chuyện với đại biểu cử tri.

Tham dự Hội nghị, các đại biểu thuộc UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định và các tổ chức thành viên đã tập trung phát biểu, kiến nghị vào những vấn đề như: hoạt động thanh tra các dự án BOT trên địa bàn tỉnh Bình Định; công tác xây dựng nhà nước pháp quyền; công tác điều hành, quản lý kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, điện, vật tư nông nghiệp, giá lúa,…); chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, chế độ tiền lương; chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chất lượng dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế; công trình đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng, chống tham nhũng; tình trạng dạy thêm, học thêm, lạm thu; việc công nhận văn bằng…

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời, giải đáp những vấn đề băn khoăn, trăn trở của cử tri, trong đó có vấn đề dạy thêm, học thêm, lạm thu trong trường học và việc công nhận văn bằng.

Hội nghị tiếp xúc giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định các tổ chức thành viên trước kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV.
Hội nghị tiếp xúc giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định các tổ chức thành viên trước kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 17 quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm; tuy nhiên trong thực tế, hoạt động dạy thêm diễn ra phức tạp, đa dạng, trong đó tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Phần lớn đội ngũ giáo viên thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; tuy nhiên, cũng còn nhiều nơi giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm với những “biến tướng”, gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh.

Về mặt quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT xác định đây là trách nhiệm của mình và Bộ sẽ tiếp tục ra soát lại Thông tư 17 với những quy định rất cụ thể, trong đó xác định trường hợp nào được dạy thêm, học thêm và có chế tài xử lý nghiêm hoạt động dạy thêm, học thêm “biến tướng”.

Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo giảm tải chương trình giáo dục hiện hành; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo Sở GD&ĐT các địa phương quyết liệt chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Ngành GD&ĐT xác định dây là việc làm thường xuyên, liên tục và mong muốn gia đình-nhà trường-xã hội tích cực phối hợp trong việc giáo dục con em, học sinh.

Giải đáp ý kiến cử tri phản ánh về tình trạng lạm thu trong trường học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Chi phí dành cho giáo dục là rất lớn so với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhưng so với yêu cầu thực tế của địa phương thì còn rất khó khăn. Hiện nay, khoảng 80% chi phí cho giáo dục dùng để trả lương cho giáo viên, còn 20% chi cho hoạt động thường xuyên (có nơi chưa đến 15%).

Do khó khăn về tài chính, trong khi các trường đều muốn có điều kiện tốt hơn cho học sinh nên đã xảy ra tình trạng “vận dụng” thu tiền của học sinh trái quy định. Trước khi bước vào năm học mới, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban ngành và các cơ sở giáo dục đào tạo do địa phương quản lý thực hiện thu học phí theo đúng quy định, không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học, đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân vi phạm, đặc biệt là người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Trước phản ánh của dư luận về tình trạng lạm thu tại một số cơ sở giáo dục đầu năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT đã thành lập 02 đoàn kiểm tra tại 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An), các đoàn đã đến trực tiếp các cơ sở giáo dục báo chí phản ánh để làm rõ các khoản thu và yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu đầu năm học cần sự quyết liệt không chỉ từ phía Bộ GD&ĐT mà còn phải từ các địa phương, các cơ sở giáo dục và từ từng phụ huynh, giáo viên. Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị với Chính phủ yêu cầu chính quyền các địa phương bố trí đủ kinh phí cho các đơn vị trường học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời, giải đáp những vấn đề băn khoăn của cử tri.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời, giải đáp những vấn đề băn khoăn của cử tri.

Trả lời băn khoăn của cử tri về công nhận bằng cấp đối với các trường nước ngoài, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay: Vấn đề công nhận bằng cấp và thống nhất bằng cấp là vấn đề lớn của các trường đại học, của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, có một thời gian chúng ta có chính sách cho các trường đại học có điều kiện mở rộng liên kết với các trường đại học nước ngoài để thực hiện đào tạo. Hiện nay, trong số các trường nước ngoài có liên kết đào tạo với các trường đại học Việt Nam, có trường được kiểm định và có trường chưa được kiểm định. Đối với các trường chưa được kiểm định, văn bằng của người học sau khi tốt nghiệp sẽ không được công nhận. Bộ GD&ĐT thực hiện việc xác nhận bằng cấp trên cơ sở nhu cầu của người học và yêu cầu của các cơ quan, tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.