Bộ Nội vụ không nên “nhúng tay” vào biên chế lao động của đặc khu Hành chính -kinh tế đặc biệt

GD&TĐ - Biên chế đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt, Bộ nội vụ không nên "nhúng tay" vào câu chuyện này và chúng ta cần có sự cải tiến, đổi mới về tính đột phá.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Bộ Nội vụ không nên "nhúng tay" vào biên chế lao động của đặc khu Hành chính -kinh tế đặc biệt:
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Bộ Nội vụ không nên "nhúng tay" vào biên chế lao động của đặc khu Hành chính -kinh tế đặc biệt:

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm khi thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt.

Tán thành với nhiều nội dung quan trọng trong Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đây là là đạo luật rất quan trọng. Tuy nhiên, theo Đại biểu cần có một số điểm cần nghiên cứu về dự án Luật này.

Thứ nhất, theo quan điểm của Đảng và Nhà nước đó là, cần tạo ra đột phá về hoạt động kinh tế. Từ hoạt động kinh tế này, cần có sự đột phá về mặt nhà nước, về mặt quản lý.

"Đã là khu hành chính - kinh tế đặc biệt, tức là cả hai vấn đề phải đặc biệt. Nó không giống như các khu sản xuất như: Khu kinh tế mở, khu kinh tế tự do hay các khu chế xuất...

Chính vì thế, chính quyền ở đây phải được tổ chức đặc biệt. Tôi tán thành phương án có hội đồng nhân dân (HĐND), có UBND nhưng cần có đột phá là: Không cần tổ chức Thường trực UBND mà giao cho Chủ tịch UBND các thẩm quyền quyết định.

Tất nhiên, Chủ tịch phải là người được lựa chọn cẩn thận do Thủ tướng bổ nhiệm" - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Theo Đại biểu, thành phần HĐND cần gọn nhẹ, nên 15 người là hợp lý. HĐND chỉ quyết định những vấn đề quan trọng nhất, còn những vấn đề khác là thuộc quyền đột phá của UBND. HĐND cơ bản tập trung vào giám sát.

Riêng về biên chế lao động, theo dự thảo Luật là giao cho Bộ nội vụ xét duyệt các vị trí việc làm. Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, vị trí việc làm của đặc khu cần linh hoạt, có thể năm đầu tiên tập trung vào tổ chức và biên chế sẽ nghiêng về nội dung này. Còn khi đã ổn định về tổ chức rồi thì sẽ tập trung vào phát triển.

"Khi đó cần những loại lao động nào, vị trí việc làm nào là cần thiết... thẩm quyền đó nên giao cho Chủ tịch UBND chứ không phải là xét duyệt cứng của Bộ Nội vụ.

Bộ khung của chúng ta là công chức còn, lao động chính là công chức theo hợp đồng. Vì thế lao động, độ tăng giảm, linh hoạt trong biên chế công chức này là thuộc thẩm quyền của ông chủ tịch UBND tỉnh, chứ không thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ. Cho nên Bộ Nội vụ không nên nhúng tay vào câu chuyện này, cho nên chúng ta cần có sự cải tiến, đổi mới về tính đột phá" - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.

Trước những băn khoăn của nhiều đại biểu về việc, khi thực hiện Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt phải nhìn vào các luật khác. Đại biểu Nhưỡng cho rằng, chuyện đó là bình thường, vì mọi cá nhân, tổ chức cơ quan, cho dù đó là đặc biệt thế nào đi chăng nữa cũng phải thực hiện theo quy định của luật trực tiếp, luật chuyên ngành và thực hiện các luật khác.

"Một vấn đề khác, đó là theo kết luận của Bộ Chính trị, chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cho nên 5 năm đầu tôi đề nghị công tác giám sát phải hết sức chặt chẽ và thường xuyên.

Chính vì thế chúng ta phải có cơ chế để làm sao đảm bảo báo cáo giám sát hàng năm chứ không chờ đến giai đoạn 5 năm mới có rút kinh nghiệm, lúc đó có thể muộn vì có những việc sẽ bị trôi đi mất rồi" - Đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.

Theo quan điểm của Đại biểu, không nhất thiết phải có Tổ tư vấn vì để thực hiện mục tiêu phát triển thì tất cả các vấn đề đều được thực hiện thành các đề án. Các đề án này đều được Hội đồng nhân giám sát và lấy ý kiến của các cơ quan ban ngành xem xét, thậm chí là đã làm công tác khoa học rồi.

Đối với Khu hành chính - Kinh tế đặc biệt, chúng ta không nên quy định cứng 7 phòng ban, mà có thể linh hoạt lên 7 đến 10 phòng ban nhưng không được quá 15 phòng ban.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ