Bộ KH&CN chọn công nghệ chủ chốt cho cách mạng 4.0

GD&TĐ - Bộ KH&CN đang lựa chọn xây dựng để trình Chính phủ ban hành Danh mục các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo các chuyên gia, trong danh mục này có những công nghệ quá mới ở Việt Nam, thậm chí là xa lạ ở các trường đại học.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những công nghệ cần tập trung mũi nhọn

Bộ KH&CN đang nghiên cứu, lựa chọn xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0).

Đây là các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) phải là công nghệ cao được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá phù hợp với xu hướng phát triển và tiềm năng ứng dụng trong CMCN 4.0.

Nó phải là các công nghệ có thể phát huy được lợi thế của đất nước, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Công nghệ được lựa chọn phải bảo đảm tính khả thi cao trong việc thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ hoặc sáng tạo được công nghệ. Công nghệ này khả thi về nhân lực và tài lực đối với việc tiếp thu, chuyển giao và sáng tạo công nghệ.

Theo danh sách này, lĩnh vực công nghệ có 9 lựa chọn. Đó là trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, mô phỏng, robot tự hành, tính toán lượng tử và tính toán lưới.

Lĩnh vực vật lý và vật liệu tiên tiến có 12 lựa chọn. Gồm vật liệu Nano in 3D và chế tạo cộng, ống nano các-bon và Graphene, vật liệu chức năng, thiết bị Nano, tế bào nhiên liệu, năng lượng Hydrogen, quang điện, xe điện, xe tự lái, thiết bị tự bay, công nghệ ánh sáng và quang tử.

Lĩnh vực công nghệ sinh học có 12 lựa chọn. Nó gồm có sinh học tổng hợp, công nghệ thần kinh, tế bào gốc, xúc tác sinh học, tin sinh học, chíp sinh học và cảm biến sinh học, nông nghiệp chính xác, nhiên liệu sinh học, y học cá thể hóa, y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô, công nghệ giám sát sức khỏe, chuẩn đoán hình ảnh y - sinh.

Lĩnh vực năng lượng và môi trường có 7 lựa chọn. Gồm công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ, thu thập và lưu trữ các-bon, năng lượng vi mô, công nghệ tua bin gió, công nghệ năng lượng đại dương và năng lượng sóng và lưới điện thông minh.

Danh mục ưu tiên đầu tư phát triển tập trung chủ yếu trong bốn lĩnh vực công nghệ cao gồm công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học và vật liệu mới.

PGS.TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế TPHCM cho rằng, đây đều là những công nghệ đang là xu thế và được ưu tiên phát triển ở các quốc gia lớn trên thế giới. Đã có những công nghệ đang được áp dụng ở nước ta. Nhưng cũng có những công nghệ hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam.

Để ưu tiên tập trung phát triển, chỉ nên chọn một hoặc 2 công nghệ, không cần quá nhiều. Mỗi công nghệ đó lại liên quan đến rất nhiều công nghệ phụ trợ. Nếu là cái mới thì chấp nhận nhập khẩu, sau đó làm chủ nó và biến nó thành của mình. Đây cũng là cách mà một số quốc gia trên thế giới đã và đang làm.

Nên cân nhắc những công nghệ quá mới, khó phát triển

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thuận, trong danh mục công nghệ chủ chốt trên, chỉ có một số công nghệ hiện được đưa vào trường ĐH đào tạo như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo… còn lại đa số là mới mẻ, thậm chí còn xa lạ.

Muốn tiếp cận và phát triển những công nghệ này, trước tiên phải có người làm được, sau đó đào tạo lại cho lớp sau. Việc đưa vào trong trường ĐH cũng không hề đơn giản. Phải xây dựng được đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình, đầu tư cơ sở vật chất.

Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Duy Kháng, nghiên cứu viên cao cấp, Phòng Vi sinh vật học phân tử, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết, trong danh sách 12 công nghệ ở lĩnh vực công nghệ sinh học, có những công nghệ đúng là còn quá mới ở Việt Nam.

Một số công nghệ đã có thành tựu như sinh học tổng hợp. Các nhà khoa học đã sản xuất được một số chế phẩm quan trọng điều trị bệnh hiểm nghèo như ung thư và đang tiếp tục phát triển.

Công nghệ tế bào gốc được đặc biệt quan tâm trong một số năm gần đây và đã đạt được một số kết quả ở một số cơ sở như Đại học Quốc gia TPHCM, Bệnh viện VinMec… Hay công nghệ chuẩn đoán hình ảnh y - sinh đã được áp dụng từ lâu tại Việt Nam.

Tuy vậy, đa số các công nghệ còn lại quá mới mẻ ở Việt Nam. Ví dụ như công nghệ thần kinh. Công nghệ này không chỉ giúp điều trị bệnh liên quan tới thần kinh mà còn giúp cho sự phát triển của nhiều công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, robot...  Công nghệ này ở Việt Nam chưa phát triển.

Công nghệ tin sinh học ở Việt Nam đã có nhưng chưa phát triển. Không có công nghệ này thì các nhà sinh học không thể nào xử lý, phân tích được số liệu khổng lồ của ngành sinh học ngày nay. Ví dụ số liệu sau khi giải trình tự gen bằng công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới, mô phỏng các phân tử, dự đoán cấu trúc...

Công nghệ chíp sinh học và cảm biến sinh học giao thoa giữa các ngành khác nhau như miễn dịch học, sinh học phân tử, hóa học và điện tử bán dẫn - tự động hóa. Công nghệ này đòi hỏi các ngành công nghệ phát triển đồng bộ ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Anh... Công nghệ này hiện tại khó phát triển ở Việt Nam.

Hay công nghệ y học cá thể hóa là khái niệm mới, đặc biệt là ở Việt Nam. Tuy nhiên nó rất quan trọng trong nền y học hiện đại và đang được thực hiện ở nhiều quốc gia phát triển. Tình trạng sức khỏe của mỗi người phụ thuộc vào hoạt động sống và thông tin sinh học của cá thể người đó.

Nghiên cứu y học cá thể hóa là nghiên cứu thông tin sinh học của mỗi cá nhân để đưa ra hướng dự phòng (khi chưa phát bệnh) và điều trị (khi đã phát bệnh) là cực kỳ cần thiết. Công nghệ này rất quan trọng nhưng trong bối cảnh hiện nay rất khó phát triển ở Việt Nam.

Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách phải biết ưu tiên công nghệ nào vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Làm từ thấp đến cao, từ dễ đến khó để mỗi công nghệ tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính sự phát triển ấy sẽ kéo theo sự phát triển của các công nghệ tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ