Bộ GD&ĐT phát động tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội trong nhà trường

GD&TĐ - Chiều 17/12 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội), Bộ GD&ĐT tổ chức lễ phát động và tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội trong nhà trường năm học 2019- 2020.

Bộ GD&ĐT phát động tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội trong nhà trường

Phát biểu tại lễ phát động, ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hiện nay, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn XH, tạo môi trường lành mạnh, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn XH, trong đó đối tượng thanh niên, HSSV có diễn biến phức tạp, người phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi phạm tội tinh vi, khó phát hiện.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên có thể kể đến những hạn chế, tác động tiêu cực từ môi trường trong thời kỳ “mở cửa, hội nhập”, mặt trái của kinh tế thị trường đã làm thay đổi những giá trị truyền thống, văn hóa, đạo đức xã hội. Những tư tưởng, lối sống thiếu lành mạnh như đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến học sinh, sinh viên, làm cho các em có nhận thức, định hướng sai lệch về cách sống.

Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại buổi lễ
Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại buổi lễ

Một số gia đình, cha mẹ ứng xử chưa chuẩn mực; phương pháp giáo dục con không đúng, quá nuông chiều hoặc ngược đãi đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của HSSV, làm cho các em có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, lệch chuẩn dễ vi phạm pháp luật. Cá biệt, có gia đình còn phó mặc, khoán trắng việc quản lý, giáo dục con em cho nhà trường, thiếu sự phối hợp với nhà trường trong việc quan tâm, theo dõi, chăm sóc và giáo dục HSSV.

Công tác tuyên truyền phổ biến GDPL cho HSSV chưa hiệu quả thiết thực. Sự phối hợp giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ trong việc quản lý, giáo dục học sinh và xây dựng môi trường giáo dục. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm chưa thường xuyên, thiếu kịp thời.

Ông Bùi Văn Linh nhấn mạnh: Ngành Giáo dục với gần 24 triệu HSSV, các em chính là những chủ nhân tương lai của đất nước, là nhân tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.  

Để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ, ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống tội phạm, vi phạm PL, tệ nạn XH, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương phát biểu hưởng ứng lễ phát động
Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương phát biểu hưởng ứng lễ phát động

Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT, các nhà trường quán triệt và triển khai nghiêm túc các chủ trương, chính sách, quy định về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, HSSV; bảo đảm tốt nhất và an toàn về thể chất và tinh thần cho tất cả các thành viên trong nhà trường

Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, các quy chế, quy định, nội quy của nhà trường. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của HSSV cán bộ, giáo viên trong việc lồng ghép, tích hợp công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục của nhà trường bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Cần phối hợp đồng bộ giữa ngành Giáo dục và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan; giữa nhà trường, gia đình và XH trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Điều tra, xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trường học.

Các đại biểu hưởng ứng lễ phát động
Các đại biểu hưởng ứng lễ phát động

Các cơ sở giáo dục tổ chức ký cam kết giữa Đại điện sinh viên- Nhà trường-Cơ quan công an (ban đại diện cha mẹ học sinh đối với khối phổ thông) không vi phạm pháp luật và tích cực tham gia công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Các cơ quan QLGD, cán bộ quản lý các nhà trường cần rà soát, điều chỉnh sửa đổi các nội quy, quy định của địa phương, nhà trường phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của nhà trường. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhằm bảo đảm các quy định được thực hiện đầy đủ và hạn chế tối đa lỗ hổng trong quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ