Bảo hiểm y tế mở rộng tầm bao phủ

GD&TĐ - Tính đến tháng 6/2017, cả nước có 77,81 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 83,4%. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ tham gia bảo hiểm tăng đáng kể (khoảng 5%) cho thấy, bảo hiểm y tế thực sự là phao cứu sinh cho những ai không may bị bệnh. 

Bảo hiểm y tế mở rộng tầm bao phủ

Số người tham gia ngày một tăng cũng chứng tỏ người dân đã hiểu về tính ưu việt của loại hình này.

Nhiều biện pháp kích cầu

Theo mục tiêu Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề ra đến cuối năm 2017 sẽ có 83,5% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Tính đến thời điểm này, đã có 49 địa phương đã sớm cán đích, thậm chí vượt xa kế hoạch đề ra. Đó là các tỉnh Điện Biên, Lào Cai (99,2%), Sóc Trăng (99%), Cao Bằng (97,9%), Thừa Thiên - Huế (94,6%), Trà Vinh (92,2%).

Tính chung trên cả nước, nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhiều nhất là khối hành chính sự nghiệp, tiếp đến là nhóm được ngân sách Nhà nước và địa phương đóng/hỗ trợ 100% phí mua bảo hiểm.

Nhóm còn lại là người lao động thuộc khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, kinh doanh cá thể, nông, lâm, ngư nghiệp và diêm dân có mức sống trung bình và nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hiện có tỷ lệ tham gia thấp. Vài năm gần đây, bảo hiểm xã hội cũng như chính quyền địa phương đã có nhiều hình thức vận động, hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ mở rộng độ bao phủ.

Điển hình như tại An Giang, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có hướng dẫn việc hỗ trợ mua bảo hiểm y tế đối với thân nhân hộ gia đình đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức và người lao động có hoàn cảnh khó khăn thuộc các xã có kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo đó, những người có cùng hộ khẩu với đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức và người lao động được vay vốn không tính lãi để mua bảo hiểm y tế. Vốn vay sẽ được thu hồi cùng với kỳ trả lương hàng tháng với thời gian trả là 9 tháng. Trong trường hợp thẻ bảo hiểm y tế hết hạn dù có nhu cầu nhưng khó khăn không thể mua tiếp cho các thành viên trong gia đình thì được xem xét hỗ trợ.

Nâng quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế cũng là cách lôi kéo người tham gia. Quyết định liên thông khám chữa bệnh ở y tế tuyến huyện đã giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn cho việc khám, chữa bệnh của mình. Hơn nữa, giá dịch vụ y tế liên tục tăng trong 1 vài năm gần đây cũng nâng quyền lợi cho người bệnh trong việc tiếp cận kỹ thuật cao, thuốc chất lượng… Rồi việc đơn giản hóa thủ tục cũng là cách để bảo hiểm y tế đến gần với người dân hơn.

Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp

Tính đến cuối năm 2016, vẫn còn một số địa phương chưa đạt mục tiêu về độ bao phủ của bảo hiểm y tế (Hậu Giang, Lâm Đồng, Quảng Bình, Vinh Long…). Có những địa phương thấp hơn tỷ lệ trung bình cả nước tới 10, thậm chí 14%. Điểm chung dễ nhận thấy ở những tỉnh này là tỷ lệ tham gia của người thuộc hộ gia đình làm nông, ngư và diêm nghiệp có mức sống chưa cao.

Ngoài ra, nhóm lao động tự do, buôn bán nhỏ và lao động phi chính thức cũng nằm ở “top” thấp trong việc tham gia bảo hiểm. Có nhiều nguyên nhân nhưng tựu chung lại do cuộc sống khó khăn, thu nhập chỉ đủ hoặc còn thấp hơn so với nhu cầu chi tiêu hàng ngày nên dù biết điểm lợi của bảo hiểm y tế nhưng vẫn không thể tham gia.

Bảo hiểm y tế là bắt buộc với tất cả người dân. Nhưng mỗi người, mỗi nhà một hoàn cảnh nên việc hỗ trợ người không có điều kiện tham gia là cần thiết. Hiện ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng với tỷ lệ khác nhau (từ 30 - 100%) nhưng cũng rất cần sự tham gia của địa phương, xã hội để những người không có khả năng đóng phí dù đã được hỗ trợ có được tấm thẻ bảo hành cho sức khỏe. Mặt khác, cần giám sát quỹ bảo hiểm y tế chặt chẽ hơn để đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người và hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020.

Mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành bảo hiểm đến năm 2020 sẽ có 90,7% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Đây thực sự là việc làm khó bởi đối tượng chưa tham gia bảo hiểm y tế hiện nay phần lớn đều khó khăn về kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ