Bão chưa vào đã thiệt hại nặng nề

GD&TĐ - Mặc dù cơn bão số 3 chưa đổ bộ vào đất liền, nhưng tại tỉnh Thanh Hóa những ngày qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và đợt mưa lũ kéo dài nên địa phương này đã bị thiệt hại khá nặng nề.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng (thứ 2 từ trái sang) chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng (thứ 2 từ trái sang) chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3.

Theo thống kê sơ bộ từ các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 7 giờ ngày 18/7 toàn tỉnh đã có khoảng 13.292 ha lúa bị ngập do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh từ ngày 13 – 18.7. Trong đó, diện tích lúa ngập trắng trên 4.230 ha. Trong đó, địa phương bị thiệt hại nặng nhất là huyện Nông Cống với diện tích trên 4.300 ha, các huyện con lại, như:  Hoằng Hóa (653 ha); Thiệu Hóa (1.305 ha); Đông Sơn (1.484,5 ha); Triệu Sơn (957,1 ha); Tĩnh Gia (2.207 ha)….

Đặc biệt, trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, liên tục trong những ngày qua đã có mưa lớn kéo dài ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ, khiến 2 ngư dân của xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) là Tô Văn Hiến (SN 1987) và Tô Văn Trương (SN 1994)  là anh em ruột cùng trú tại thôn Hưng Phú, xã Hưng Lộc bị mất tích trên biển trong lúc chạy vào tránh, trú bão tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh), đến nay chưa tìm thấy thi thể.

Tàu, thuyền của ngư dân Thanh Hóa vào neo đậu tại âu tránh bão xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).
 Tàu, thuyền của ngư dân Thanh Hóa vào neo đậu tại âu tránh bão xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).

Để đối phó cơn bão số 3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đoàn công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền làm trưởng đoàn xuống các huyện có diện tích lúa bị ngập lớn để kiểm tra, chỉ đạo công tác tiêu úng, ứng phó với diễn biến của mưa lũ. Đồng thời, Thanh Hóa cũng thực hiện cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi, nhằm đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng cho ngư dân. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương, các đơn vị, ban ngành hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai ứng phó bão.

Cũng trong sáng 18/7, Hãng hàng không Jetstar Pacific thông báo do ảnh hưởng của bão số 3, vì vậy, để bảo đảm an toàn bay, hãng sẽ hủy 4 chuyến bay đi, đến sân bay Vinh (Nghệ An) và Thọ Xuân (Thanh Hóa) chiều tối 18/7. Lịch tăng chuyến bay bù vận chuyển hành khách bị ảnh hưởng sẽ được thực hiện vào ngày mai 19.7. Theo Jetstar Pacific, hãng hàng không này đã triển khai công tác thông tin đến với tất cả hành khách.

Ngư dân xã Hòa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa kéo thuyền vào nơi tránh bão.
  Ngư dân xã Hòa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa kéo thuyền vào nơi tránh bão.

Cũng sáng 18/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã đi kiểm tra công tác phòng tránh bão số 3 tại huyện Quảng Xương và một số huyện ven biển. Tại thời điểm sáng cùng ngày, huyện Quảng Xương vẫn đang tổ chức họp HĐND như thường, mà không tập trung vào công tác phòng chống bão lụt.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê bình chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND huyện Quảng Xưong vì không chấp hành yêu cầu của UBND tỉnh về hoãn tất cả các cuộc họp để chỉ đạo công tác phòng chống bão mà vẫn họp HĐND; Yêu cầu ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện này rà soát, kiểm tra phương án ứng phó tại tất cả các tuyến đê xung yếu, phân công cán bộ đến các xã để chỉ đạo việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, hướng dẫn người dân chằng chống tàu thuyền để tránh va đập do gió to, sóng lớn; Sẵn sàng phương án di chuyển 700 hộ dân trong phạm vi 200m tính từ mép biển đến nơi an toàn khi có lệnh.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành, tích cực đấu mối với các địa phương chủ động nắm bắt tình hình để kịp thời có phương án tiêu nước đệm và đóng điện các trạm bơm để sẵn sàng bơm tiêu úng khi cần thiết. Các công ty khai thác công trình Thủy lợi đã tập trung toàn bộ máy móc, thiết bị vận hành 24/24h. Đến nay, đã vận hành 53 trạm bơm tiêu, cống tiêu trên địa bàn các huyện, thị xã để tiêu nước đệm cho các vùng có diện tích lúa mới gieo xạ bị ngập.

Lồng nuôi cá của người dân xã Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) được kéo vào nơi tránh trú bão.
 Lồng nuôi cá của người dân xã Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) được kéo vào nơi tránh trú bão.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa: Mưa lũ trong những ngày vừa qua đã khiến  gần 1.000 ha hoa màu và hơn 100 ha thủy sản bị ngập. Mưa lũ cũng làm nhiều điểm dân cư và hơn 400 hộ dân bị ngập, tập trung ở các huyện Tĩnh Gia, thành phố Sầm Sơn. Trên Quốc lộ 15C, 217, đường tỉnh lộ 114, 521D bị sạt lở nghiêm trọng.

Một số tuyến đường tuần tra biên giới bị sạt lở ta luy tại 90 vị trí với khối lượng ước khoảng gần 25.000m3; 150 cống, hố bị vùi lấp... Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt đối với các công trình đang thi công, các sự cố đã xảy ra trong năm 2017. Rà soát, triển khai phương án sơ tán người tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ gây ra lũ quét đến nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện sơ tán di dời dân cư tại các khu vực ven biển khi có lệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ