Bác tin đồn xuất hiện “vi khuẩn ăn thịt người” ở Quảng Bình

GD&TĐ - Lúc 19h ngày 16/9, ông Dương Thanh Bình - Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình) khẳng định, đến thời điểm này bệnh viện không tiếp nhận bất kể một trường hợp nào được cho là nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” như mạng xã hội Facebook cá nhân tại Quảng Bình đăng tải.

Tin đồn thất thiệt về bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" được đưa lên cộng đồng mạng chỉ ít phút nhưng được like và chia sẻ rất nhiều.
Tin đồn thất thiệt về bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" được đưa lên cộng đồng mạng chỉ ít phút nhưng được like và chia sẻ rất nhiều.

Cùng thời điểm này, ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cũng khẳng định rằng: Hiện tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hoàn toàn không tiếp nhận, điều trị ca bệnh nào được cho là nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người” như dư luận đang đồn thổi.

Một trong những facebook đưa thông tin 3 ca nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" ở Bệnh viện Cuba Đồng Hới Quảng Bình lên mạng xã hội.
 Một trong những facebook đưa thông tin 3 ca nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" ở Bệnh viện Cuba Đồng Hới Quảng Bình lên mạng xã hội.

Ông Cường cũng cho biết thêm, ngành y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ sở y tế xã phường, thôn bản… trên toàn tỉnh để nắm lại thông tin trong nhân dân để tránh những tin đồn thất thiệt gây nhiều hậu quả đối với xã hội.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM chia sẻ với báo Thanh Niên, "vi khuẩn ăn thịt người" không phải là căn bệnh mà nhiều người đang lo lắng. Căn bệnh này do vi khuẩn tiết ra 2 độc tố gây "thối rữa thịt".

"Thông tin tại tỉnh Quảng Bình xuất hiện loại “vi khuẩn ăn thịt người” gây hoang mang là thông tin không chính xác và đây là tin đồn thất thiệt…" 
 Ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình

Vi khuẩn này có tên là Aeromonas hydrophila. Còn căn bệnh mà "mạng xã hội đang bàn tán" có tên là Whitmore (hay bệnh melioidosis), do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bác sĩ Khanh cho biết thêm, bệnh Whitmore là do vi khuẩn Burkholderia có trong đất và nước không sạch, chủ yếu xâm nhập vào cơ thể qua vùng da trầy xước.

Vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp-xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là "ăn thịt người". Bệnh gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em.

Một trang facebook khác cũng đưa thông tin có 3 trẻ em bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người.
 Một trang facebook khác cũng đưa thông tin có 3 trẻ em bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người.

Bệnh này không lây từ người sang người và cũng không dễ mắc nếu sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ.

Bệnh có một số triệu chứng cấp tính: Sốt, suy hô hấp, co giật hoặc viêm phổi kéo dài, sốt kéo dài, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người.

Chính vì vậy, để phòng ngừa, khi tiếp xúc với đất hay nước không sạch phải có găng hay ủng bảo vệ, rửa sạch tay chân ngay khi tiếp xúc với nước hay đất không sạch.

Trong trường hợp nghi vấn thì người dân cần đến tại các cơ sở y tế làm xét nghiệm để điều trị đúng theo phác đồ và liệu trình kháng sinh do bác sĩ chỉ định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ